Góc tư vấn: Cách chấm dứt cơn đau cổ vai gáy không phải ai cũng biết
Đau cổ vai gáy không phải là tình trạng hiếm gặp và ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh lý này cần sớm được điều trị để tránh nguy cơ tiến triển thành biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới công việc, học tập và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
1. Khái niệm đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy xảy ra khi người bệnh bị co cứng vùng vai gáy khiến cho bệnh nhân bị hạn chế các vận động cơ bản như quay đầu, ngoái cổ. Buổi sáng là thời điểm cơn đau biểu hiện rõ rệt nhất, tình trạng này có mối liên hệ với mạch máu và hệ cơ xương khớp vị trí cổ vai gáy.
Khi cơn đau cổ vai gáy ập đến, bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu như:
Ban đầu là mỏi và đau nhẹ vùng cổ vai gáy. Cơn đau sẽ tăng nặng khi vận động, đi lại, ngồi lâu,…;
Mức độ và tần suất đau tăng dần, lan sang các vị trí khác như bả vai, cánh tay, cẳng tay và xuống tận ngón tay;
Những người đau cổ vai gáy nặng thì chỉ cần cử động nhẹ, đi lại bình thường cũng cảm giác đau và khó chịu kéo dài;
Cơn đau có thể đến bất ngờ không có biểu hiện trước.
Đau cổ vai gáy khiến bệnh nhân bị hạn chế các vận động cơ bản như quay đầu, ngoái cổ
Nếu có những hiện tượng sau, bệnh nhân cần đi viện ngay:
Đã dùng thuốc nhưng cơn đau không thuyên giảm;
Tình trạng đau cổ vai gáy kéo dài hơn 1 tuần mà không khỏi;
Đau kết hợp các biểu hiện khác như ù tai, sốt, hoa mắt chóng mặt;
Đau cả khi không vận động gì.
2. Lý do nào khiến cổ vai gáy xuất hiện các cơn đau như vậy?
Nguyên nhân làm đau cổ vai gáy được chia thành 2 dạng: nguyên nhân cơ học và nguyên nhân bệnh lý:
2.1. Nguyên nhân cơ học
Là nguyên nhân xuất phát từ thói quen vận động và tính chất công việc hàng ngày, cụ thể như sau:
Vận động sai tư thế: ngồi trong tư thế cong lưng, gù lưng lâu ngày, hay nằm ngủ gục xuống bàn sẽ gây chèn ép mạch máu, lưu lượng máu lên cổ và não vì thế mà kém đi dẫn tới nhức mỏi;
Tập luyện quá mức: tập thể dục thể thao là hoạt động đáng khuyến khích nhưng nếu tập quá sức, sai tư thế, sai kỹ thuật không những không có lợi cho cơ bắp mà còn dễ khiến bạn gặp rủi ro chấn thương cổ vai gáy. Những người không có thói quen khởi động trước khi tập luyện cũng gặp phải tình trạng này;
Tính chất công việc: những người làm các công việc yêu cầu phải ngồi (điển hình là dân văn phòng, thợ may, lái xe) hoặc đứng quá lâu (tổ chức sự kiện, tiếp thị, làm trong công xưởng,…) thì sẽ gây áp lực không nhỏ lên hệ thần kinh khu vực cổ, bả vai;
Gặp chấn thương: nếu vùng vai, cổ bị chấn thương thì khả năng rất cao là đốt sống hoặc dây chằng cũng bị ảnh hưởng;
Thiếu hụt chất dinh dưỡng: khi cơ thể thiếu đi các khoáng chất, vitamin cần thiết, nhất là canxi thì xương khớp và dây thần kinh sẽ hoạt động kém hiệu quả, dẫn tới tê bì, đau nhức vùng cổ vai gáy.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
Những bệnh lý dưới đây có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị đau cổ vai gáy:
Thoái hóa đốt sống cổ: bệnh nhân có biểu hiện xuất hiện các gai xương đè vào dây thần kinh cổ vai gáy gây ra các triệu chứng nhức mỏi và đau, đặc biệt mỗi khi ngủ dậy luôn có cảm giác cứng cổ. Bệnh nhân ngoài 40 tuổi là đối tượng dễ bị thoái hóa đốt sống cổ nhất;
Vôi hóa cột sống: khi canxi trong cơ thể lắng cặn và tạo thành các tinh thể bám trên thân đốt sống sẽ khiến cột sống bị vôi hóa. Sự kết tụ của canxi trên tổ chức xương như vậy tạo thành các chồi xương, các dây thần kinh ống sống gần đó sẽ bị chồi xương chèn ép và người bệnh hay bị đau cổ vai gáy, vận động khó khăn;
Tính chất công việc ngồi lâu một chỗ dẫn đến nguy cơ cao bị đau cổ vai gáy
Rối loạn chức năng thần kinh: xảy ra khi người bệnh bị kéo dãn các dây thần kinh cổ vai gáy nên thường mất ngủ, khó tập trung và trở nên nhạy cảm dễ xúc động;
Rối loạn khớp bả vai lồng ngực: việc ngồi lâu hàng giờ đồng hồ mà không thay đổi tư thế vận động sẽ làm các cơ vai gáy bị căng giãn quá độ và đau nhức;
Viêm bao khớp vai: thường xảy ra vào lúc nửa đêm hoặc khi trời trở lạnh, đau ở một bên vai đặc biệt là tư thế nằm nghiêng. Nhiều người còn dường như không thể với tay lên để lấy đồ đạc hoặc vòng tay ra sau, thậm chí đau cả khi chải tóc.
3. Biện pháp chẩn đoán và khắc phục chứng đau cổ vai gáy
Để xác định xem bệnh nhân có đang gặp phải tình trạng đau cổ vai gáy hay không, bác sĩ cần kiểm tra các triệu chứng lâm sàng kết hợp với các chỉ định cận lâm sàng trong chẩn đoán như sau:
Chụp X-quang: kỹ thuật này cho phép thu lại hình ảnh khối u, khe hẹp giữa 2 đốt sống,…;
Chụp CT: chụp cắt lớp vi tính giúp hiển thị chi tiết cấu trúc bên trong cổ vai gáy;
Chụp MRI: phát hiện bệnh nhờ quan sát hình ảnh dây thần kinh, tủy sống, dây chằng vị trí cổ vai gáy;
Chụp tủy sống: có thể chọn phương pháp này thay cho chụp MRI.
Đau cổ vai gáy có thể điều trị được và tùy xem mức độ đau đồng thời thể trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn biện pháp chữa trị tối ưu nhất, bao gồm:
Dùng thuốc: bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc dùng theo đường tiêm, đường uống hoặc bôi ngoài da như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ,…;
Vật lý trị liệu: bài tập hỗ trợ giảm đau hoặc kéo giãn cột sống cổ,…;
Phẫu thuật: thường thực hiện đối với các ca bệnh nặng không đáp ứng với thuốc, điều trị vật lý hoặc tổn thương quá nghiêm trọng.
4. Phòng ngừa nguy cơ bị đau cổ vai gáy
Nhằm hạn chế tối đa rủi ro đau cổ vai gáy, mỗi người nên:
Chăm chỉ rèn luyện thể lực, vận động bằng cách tập thể dục thể thao và chọn cho mình những bài tập phù hợp với thể trạng của mình;
Khi ngồi học bài, đọc sách, đánh máy vi tính hay dùng điện thoại di động, không nên cúi gập cổ, ngồi với tư thế thẳng;
Có chế độ nghỉ ngơi đan xen làm việc một cách hợp lý. Nếu làm công việc bắt buộc phải ngồi lâu thì nên nghỉ giải lao và vận động thư giãn cơ thể;
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, không bỏ bữa, ăn những thức ăn chứa nhiều khoáng chất và vitamin thiết yếu như kali, canxi, vitamin D, B, C, E,…
Bệnh nhân đau cổ vai gáy có thể thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh
Cập nhật lần cuối ngày 26/12/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.