Chụp X-quang lưng hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý xương khớp
Chụp X-quang lưng cho phép quan sát toàn bộ cấu trúc giải phẫu hệ xương cột sống và phát hiện các bệnh lý tổn thương, dị dạng liên quan. Tùy vào từng trường hợp bệnh, người bệnh có thể chụp thông thường hoặc chụp có tiêm thuốc cản quang để đánh giá chi tiết, chính xác hơn tình trạng bệnh.
1. Tìm hiểu về chụp X-quang lưng
Chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, cho phép con người quan sát được cấu trúc bên trong cơ thể mà thăm khám thông thường không thể làm được. Các bệnh lý cột sống hiện nay ngày càng phổ biến, nguyên nhân chủ yếu do sai tư thế ngồi, làm việc kéo dài và chấn thương tai nạn, thường được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp X-quang lưng.
Đôi khi kỹ thuật này cũng được chỉ định để theo dõi tiến triển bệnh, kết quả của các phương pháp điều trị. Tuy nhiên tia bức xạ X có thể gây những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nên không nên chụp quá thường xuyên.
2. Chụp X-quang lưng phát hiện được bệnh xương khớp gì?
Cột sống thắt lưng là phần quan trọng trong hệ xương khớp của cơ thể, giúp định hình, nâng đỡ cơ thể và hệ thần kinh điều khiển hoạt động con người. Tuy nhiên chụp X-quang thường chỉ cho phép quan sát cấu trúc, bất thường cột sống mà không thể hiện rõ tủy sống bên trong.
Khi người bệnh có các dấu hiệu tổn thương hoặc bệnh lý tại thắt lưng như: đau thắt lưng, cảm giác tê bì chi dai dẳng, đau âm ỉ nhiều ngày,… Chụp X-quang cho phép kiểm tra tình trạng vùng cột sống thắt lưng để xác định mức độ tổn thương và xác định các bệnh lý như:
2.1. Dị dạng cột sống
Dị dạng cột sống được chia thành nhiều loại với đặc điểm bệnh lý và dấu hiệu trên ảnh chụp X-quang khác nhau như:
Dị dạng cột sống có thể quan sát được khi chụp X-quang lưng
Cong vẹo cột sống
Cột sống không thẳng mà cong vẹo, lệch trục có thể do bẩm sinh hoặc do chịu lực lớn kéo dài.
Gù
Khi chụp X-quang mặt nghiêng thấy rõ, cột sống lồi ra sau khiến lưng cong quá mức, còn gọi là gù.
2.2. Bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm một trong những bệnh lý cột sống rất phổ biến, không những gây đau đớn mà còn chèn ép lên ống tủy và rễ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể. Chụp X-quang đánh giá bệnh thoát vị địa đệm thường cần tiêm thuốc cản quang để đánh giá chính xác nhất.
2.3. Chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống có thể xảy ra do tác động lực mạnh lên cột sống gây vỡ đốt sống, xẹp đốt sống, trượt đốt sống,… Tổn thương có thể do chấn thương tai nạn hoặc do bệnh lý biến đổi đường cong sinh lý cột sống, biến đổi hình thể đốt sống, chiều cao khe đĩa đệm,…
Chụp X-quang đánh giá u tủy cột sống thường cần bơm thuốc cản quang
2.4. Bệnh u tủy cột sống
Bệnh u tủy sống thường phải chụp X-quang có thuốc cản quang mới đánh giá được chính xác tình trạng tủy cột sống có u gây tắc hoàn toàn hoặc một phần. Ngoài chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ cũng là phương pháp đánh giá tin cậy trong chẩn đoán u tủy cột sống, cho phép quan sát kích thước và vị trí u tủy, mức độ liên quan giữa u với tủy, các rễ thần kinh và màng não tủy.
3. Chụp X-quang lưng gồm những phương pháp nào?
Tùy vào mục đích chụp X-quang trong đánh giá bệnh lý nào mà bạn sẽ cần chụp X-quang lưng theo các kỹ thuật sau:
3.1. Chụp cột sống chiếu thẳng, nghiêng
Tư thế chụp X-quang này thể hiện rõ tình trạng cong vẹo, thoái hóa hoặc các tổn thương cột sống, dị tật khác như thắt lưng hóa, dính thân đốt, gù vẹo bẩm sinh, gai đôi,…
Ngoài ra, kỹ thuật chụp X-quang này cũng được chỉ định trong chẩn đoán ung thư, lao hoặc ung thư di căn.
3.2. Chụp tủy và bao rễ thần kinh
Kỹ thuật chụp X-quang này cần bơm thuốc cản quang vào ống tủy vào vùng bao rễ để hình ảnh chụp rõ nét hơn. Với ảnh chụp X-quang này, bác sỹ có thể đánh giá tình trạng chèn ống tủy, hẹp tắc ống tủy, thoát vị đĩa đệm, u tủy gây chèn ép bao rễ thần kinh,…
3.3. Chụp chếch ¾ cột sống lưng
Chụp góc chếch 45 độ so với bình diện thẳng cột sống lưng cho phép chẩn đoán mức độ và dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh, chèn ép động mạch sống của cột sống.
4. Những lưu ý cần biết khi chụp X-quang lưng
Chụp X-quang vùng lưng có giá trị cao trong chẩn đoán các bệnh liên quan đến cột sống lưng, tuy nhiên có thể không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán. Khi đó bác sỹ có thể chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ MRI.
Các kỹ thuật chụp X-quang vùng lưng yêu cầu tư thế chụp và chuẩn bị khác nhau, phù hợp trong chẩn đoán các bệnh lý, tổn thương khác nhau, vì thế không nên tự ý đi chụp mà không có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Tia bức xạ X tiếp xúc với cơ thể trong kỹ thuật này ở mức độ khá thấp, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người.
Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dễ gặp biến chứng khi chụp X-quang cần cẩn trọng khi thực hiện, nhất là thai nhi tiếp xúc với tia X trực tiếp qua thể bị ảnh hưởng,… Tổn thương dây thần kinh cột sống thường rất khó phát hiện khi chụp X-quang lưng, lúc này cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
Cần chụp X-quang lưng theo chỉ định bác sĩ
Kỹ thuật chụp X-quang lưng đã và đang được chỉ định trong chẩn đoán, đánh giá bệnh lý liên quan tới cột sống. Những bệnh lý này thường gây đau đớn, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống nên cần sớm điều trị. Vì thế hãy thông báo với bác sĩ các vấn đề sức khỏe bản thân gặp phải để có chỉ định chụp X-quang lưng phù hợp.
Cập nhật lần cuối ngày 09/02/2023
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.