Đau hông trái có nguy hiểm không?
Nếu có những biểu hiện đau hông trái lặp đi lặp lại nhiều lần thì bạn cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.
Đau hông bên trái thông thường do những nguyên nhân sau:
Do bệnh lý
Đau bên mạn sườn trái phần nhiều là sỏi thận: Khi đó cơn đau của bạn sẽ khu trú ở vùng mạn sườn trái, bụng bên trái, xuyên ra sau lưng, đau theo cơn, đau quặn, bạn không thể làm được gì, càng đi lại, càng vận động càng đau, nhưng nằm nghỉ thì hết, cơn đau có thể kèm theo tiểu buốt, tiểu đau, tiểu ra máu.
Đau hông trái có nhiều nguyên nhân khác nhau (Ảnh minh họa)
Hội chứng thắt lưng hông khi bạn bị đau ở vùng hông trái phía sau, cơn đau sẽ đi từ cột sống, lan xuống qua mông và mặt sau đùi, khiến bạn khó khăn trong đi lại và rất khó để ngồi xổm vì càng ngồi xổm càng đau… Khi ấn vào chính giữa mông ở phía sau sẽ rất đau là do liên quan đến đau dây thần kinh hông to nằm ở phía sau mông.
Viêm khớp háng nếu bạn bị đau vùng háng trái: cơn đau có đặc điểm là đau tăng khi vận động, đau rõ hơn khi dạng chân ra, bước chân lên hoặc khép chân vào, thậm chí chỉ cần xoay chân cũng đủ gây đau. Nhưng nếu bạn đứng im hoặc nằm xuống thì hết đau, cơn đau thường rõ vào buổi sáng và cuối buổi chiều, ấn vào vùng hông, mặt ngoài bên trái sẽ thấy rất đau.
Ngoài ra các bệnh lý như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh liên sườn,… cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau bên hông trái.
Do các yếu tố cơ học
Chấn thương: Những tai nạn, va chạm gây tổn thương cột sống là nguyên nhân dẫn tới các cơn đau hông bên trái.
Tập luyện và vận động sai cách, sai tư thế: Những vận động viên thể thao hoặc người hay tập thể dục thường xuyên, cần thực hiện đúng động tác với cường độ phù hợp vì nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ đau hông bên trái. Mang vác đồ sai cách hay ngồi quá lâu một chỗ, nằm ngủ sai tư thế, hoặc nằm nghiêng bên trái quá lâu… đều có thể dẫn tới nguy cơ đau hông bên trái thậm chí cong vẹo cột sống, gù lưng…
Lao động nặng: những công việc đặc thù phải thường xuyên bê vác nặng quá sức khiến cột sống dễ tổn thương, tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp.
Thừa cân: Cân nặng lớn sẽ gây áp lực đến xương khớp, khiến xương khớp hoạt động quá sức gây ra những cơn đau xương khớp, đau hông bên trái.
Cách xử trí khi bị đau bên hông trái
Khi có những triệu chứng đau bên hông trái kéo dài bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân đau và có biện pháp điều trị kịp thời.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, thư giãn, đối với dân văn phòng phải làm việc với cường độ thời gian dài với máy tính hoặc làm những công việc bê vác nhiều bạn cần làm việc đúng tư thế. Khi muốn nhấc một vật nặng lên, nên co đùi gấp gối chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng, không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc. Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng giúp bạn tăng cường sức khỏe, tăng độ dẻo dai cho xương khớp.
Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học: uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung thêm vitamin, canxi… để giúp bạn tăng cường sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ giảm những cơn đau nhanh chóng hơn. Hạn chế tối đa thuốc lá, uống nhiều rượu, bia… các chất có cồn, có gas… để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
MINH MINH (tổng hợp)
Cập nhật lần cuối ngày 13/05/2023
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.