Khớp vai kêu lạch cạch là do nguyên nhân nào?
Khớp vai thường phải hoạt động nhiều hơn so với những vị trí khớp khác. Tình trạng khớp vai kêu lạch cạch khiến nhiều người lo lắng. Dưới đây, bác sĩ sẽ giải thích giúp bạn nguyên nhân gây ra hiện tượng này và những phương pháp đơn giản để khớp vai luôn khỏe mạnh.
1. Khớp vai kêu lạch cạch là do đâu?
Vì thường xuyên phải hoạt động nên đây là vị trí khớp rất dễ bị tổn thương. Theo các chuyên gia, những nguyên nhân khiến khớp vai kêu lạch cạch là do:
Khớp vai phát ra âm thanh bất thường có thể do lão hóa sụn khớp
– Do phần sụn khớp bị lão hóa:
Thông thường, khi sức khỏe xương khớp tốt thì mọi hoạt động của bạn đều được diễn ra rất nhịp nhàng. Khi thực hiện cử động khớp thường không gây phát ra bất cứ âm thanh bất thường nào.
Tuy nhiên, theo thời gian, sụn khớp cũng như nhiều bộ phận khác trên cơ thể cũng sẽ bị lão hóa. Đây là tình trạng những sụn khớp bị ăn mòn, mỏng hơn so với ban đầu và có hiện tượng nứt mẻ do tình trạng lão hóa. Bên cạnh đó, lượng dịch tiết ra sẽ ít hơn dẫn đến tình trạng khô khớp. Do đó, khi người bệnh cử động, các đầu xương sẽ xảy ra hiện tượng cọ xát vào nhau và kết quả là bạn sẽ nghe thấy khớp vai kêu “lạch cạch” hay “lục cục”.
– Do những tổn thương ở gân bị tổn thương: Vị trí của gân là nằm giữa các cơ và xương. Khi bị tổn thương, chẳng hạn như viêm nhiễm hay sưng lên, gân cũng có thể cọ xát vào những khớp xương và đây cũng chính là nguyên nhân phát ra những âm thanh lạ khi bạn cử động.
– Khí gas thoát ra từ khớp vai: Khi chúng ta cử động khớp vai, phần dịch khớp bên trong khớp có tác dụng bôi trơn khớp cũng chuyển động theo. Điều này có thể dẫn đến những bóng khí trong dịch khớp bị thoát ra ngoài. Từ đó tạo ra những tiếng kêu “lạch cạch”.
Bên cạnh đó, căng cơ cũng có thể gây khí gas thoát ra từ khớp vai. Những trường hợp này có thể được cảm nhận khá rõ khi bạn giữ nguyên một tư thế trong một thời gian dài, chẳng hạn tình trạng khớp xương phát ra tiếng kêu khi bạn vừa thức dậy vào buổi sáng sớm.
2. Khớp vai kêu lạch cạch cảnh báo những bệnh lý gì?
Thông thường, người cao tuổi là những trường hợp dễ gặp phải hiện tượng khớp vai kêu lạch cạch. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, rất nhiều người trẻ và người trung niên cũng xảy ra hiện tượng này.
Các bác sĩ khuyên rằng, nếu nhận thấy những âm thanh “lạch cạch” hay “lục cục” từ khớp vai hoặc có kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác, rất có thể bạn đang gặp phải một số bệnh lý nào đó. Vì thế, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Nên đi khám sớm khi khớp vai đau và phá ra âm thanh bất thường
Cụ thể khớp vai kêu lạch cạch là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý sau:
– Viêm vùng khớp vai: Là bệnh thường xảy ra ở những người cao tuổi, vận động viên thể thao hoặc những người phải thường xuyên lao động nặng.
– Viêm khớp bả vai: Âm thanh bất thường từ khớp vai khi xoay vai có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm khớp bả vai, nhất là khi cơ vai bị mòn. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện đau khớp vai khiến mọi cử động sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
– Thoái hóa khớp: Hiện tượng cứng khớp vai, khó khăn khi vận động và phát ra những âm thanh bất thường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo khớp vai bị thoái hóa
– Gai khớp: Khi tình trạng thoái hóa trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, có thể dẫn đến tình trạng gai khớp. Đây chính là tình trạng cơ thể tích tụ canxi tại những vị trí khớp bị bào mòn và tạo ra nhưng gai xương. Những gai xương này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình vận động, khiến người bệnh bị đau, đồng thời khớp có thể phát ra những âm thanh “lạch cạch”.
– Viêm khớp dạng thấp: Đây là dạng bệnh xương khớp tự miễn. Bệnh xảy ra trong trường hợp hệ miễn dịch tự tạo ra những kháng thể tấn công mô sụn. Khi bệnh tiến triển nặng, có thể dẫn đến cứng khớp, đau nhức hoặc viêm sưng, các ổ khớp bị lỏng lẻo hơn và thường phát ra âm thanh khi người bệnh cử động.
– Loãng xương: Tiếng kêu lạch cạch khi khớp vai cử động cũng có thể do loãng xương. Khi bị loãng xương hay chính là giảm mật độ xương, xương của bạn sẽ xốp, giòn và dễ gãy hơn.
Ngoài những bệnh lý trên, âm thanh bất thường từ khớp vai cũng có thể là do một số bệnh lý khác như viêm khớp nhiễm khuẩn hay bệnh viêm bao hoạt dịch khớp,…
3. Phòng ngừa tình trạng khớp vai kêu lạch cạch
Tình trạng khớp vai kêu lạch cạch có thể là do nhiều bệnh lý về xương khớp gây ra. Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như hỏng khớp vai, tình trạng vôi hóa khớp vai, khớp vai bị biến dạng, tê liệt khớp vai cổ và lưng.
Thường xuyên tập thể dục để khớp vai khỏe mạnh hơn
Để phòng ngừa bệnh, bạn có thể thực hiện những phương pháp sau:
– Thường xuyên tập thể dục: Một số bài tập mà bạn có thể tham khảo như chạy bộ, bơi lội hay kéo xà,… Những hoạt động thường xuyên ở khớp vai sẽ giúp kích thích bao hoạt dịch khớp, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ vậy, khớp vai của bạn và nhiều vị trí khớp khác trên cơ thể sẽ hoạt động nhịp nhàng hơn, tránh hiện tượng khô khớp và phòng ngừa hiện tượng phát ra âm thanh lạch cạch khi cử động.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà bạn cần lưu ý đó là nên khởi động kỹ trước khi chơi thể thao để phòng tránh nguy cơ chấn thương.
Nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để phòng tránh những vấn đề về xương khớp, chẳng hạn như những thực phẩm có chứa nhiều canxi, vitamin D,…
Hi vọng qua những thông tin trên bạn đã hiểu hơn về những nguyên nhân khiến khớp vai kêu lạch cạch và phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Mỗi người cần chủ động kiểm tra sức khỏe xương khớp khi có biểu hiện bất thường để được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Cập nhật lần cuối ngày 16/01/2023
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.