Traulen 4% Solution

0868 226 787     traulen.vn@gmail.com

Traulen Italia

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, hay còn gọi là bệnh khuỷu tay quần vợt (tennis elbow), là một tình trạng đau xảy ra khi các gân ở khuỷu tay bị tổn thương, thường là do các chuyển động lặp đi lặp lại quá mức trên cổ tay và cánh tay. Dù tên gọi như vậy, những người bình thường, không phải là vận động viên tennis, vẫn có thể mắc bệnh, chịu những cơn đau lan xuống cẳng tay và cổ tay, gây hạn chế đáng kể trên các sinh hoạt thường ngày.

1.Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là bệnh gì?

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, còn được gọi là bệnh khuỷu tay quần vợt (tennis elbow), là hội chứng xảy ra do hoạt động quá mức phổ biến nhất ở khuỷu tay. Đây là một chấn thương bệnh lý tại gân liên quan đến các cơ duỗi của cẳng tay, bám trên lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Sở dĩ có tên gọi là bệnh khuỷu tay quần vợt là do những người chơi môn thể thao này thường phải sử dụng nhóm cơ tại cẳng tay. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có 5% số người bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là có chơi quần vợt. Sự thật là mọi tình trạng quá tải do các hoạt động lặp đi lặp lại của chi trên như sử dụng máy tính, nâng vật nặng, duỗi thẳng cẳng tay, rung động lặp đi lặp lại đều có thể gây bệnh. Theo đó, mặc dù có tên gọi đặc trưng, bệnh cũng có thể gặp trong các môn thể thao khác như bóng chuyền, cầu lông, bóng chày, bơi lội hay một số nghề nghiệp có chuyển động một bên lặp đi lặp lại trong công việc như đánh máy tính, thợ điện, thợ mộc, thợ làm vườn, người chặt thịt.

2. Các nguyên nhân nào gây ra viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay?

Bản chất của viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là chấn thương do sử dụng quá mức và căng cơ. Nguyên nhân là do sự co duỗi lặp đi lặp lại của nhóm cơ cẳng tay dùng để duỗi thẳng và nâng cao bàn tay và cổ tay. Các chuyển động lặp đi lặp lại và căng thẳng đối với mô có thể dẫn đến một loạt vết rách nhỏ ở các gân bám lồi cầu ngoài xương cánh tay, lâu ngày gây viêm và thoái hóa.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Vị trí lồi cầu ngoài xương cánh tay

Ngoài các người chơi quần vợt, đặc biệt là nếu sử dụng nhiều lần cú đánh trái tay với kỹ thuật kém – là một trong những nguyên nhân chủ yếu có thể gây ra căn bệnh cùng tên này, nhiều chuyển động cánh tay phổ biến khác có thể gây ra khuỷu tay tennis, bao gồm:

  • Sử dụng các công cụ làm việc trên hệ thống ống nước
  • Vẽ tranh
  • Bắt ốc vít
  • Cắt nguyên liệu nấu ăn, đặc biệt là chặt thịt
  • Sử dụng chuột máy tính nhiều

Bên cạnh đó, còn có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị khuỷu tay quần vợt như sau:

Tuổi tác: Mặc dù viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, bệnh có khuynh hướng phổ biến nhất ở người lớn trong độ tuổi từ 30 đến 50.

Nghề nghiệp: Những người có công việc liên quan đến các chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và cánh tay có nhiều khả năng bị khuỷu tay tennis hơn, ví dụ như thợ sửa ống nước, họa sĩ, thợ mộc, người bán thịt và đầu bếp.

Chơi một số môn thể thao: Tham gia các môn thể thao dùng vợt có thể làm tăng nguy cơ bị khuỷu tay quần vợt, đặc biệt nếu người chơi có kỹ thuật đánh vợt không đúng cách.

3. Biểu hiện của viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay như thế nào?

Triệu chứng nổi bật nhất của viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là đau. Cơn đau này có thể khởi phát khi sờ vào các cơ duỗi có điểm bám là lồi cầu ngoài xương cánh tay. Sau đó, cơn đau có thể lan dần lên dọc theo cánh tay và lan xuống dọc theo mặt ngoài của cẳng tay; trong một số trường hợp hiếm, thậm chí cơn đau còn lan đến ngón tay thứ ba và thứ tư. Hơn nữa, bản thân người bệnh cũng thường thấy rằng sự linh hoạt và sức mạnh của cơ duỗi cổ tay và cơ vai sau bị yếu đi một cách đáng kể.

Theo Warren, có bốn giai đoạn phát triển của tổn thương do viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay gây ra liên quan đến cường độ của các triệu chứng:

  1. Đau yếu vài giờ sau khi thực hiện hoạt động kích thích.
  2. Đau khi kết thúc hoặc ngay sau khi thực hiện hoạt động kích thích.
  3. Đau khi đang thực hiện hoạt động kích thích, tăng lên sau khi ngừng hoạt động đó.
  4. Đau liên tục làm hạn chế mọi hoạt động.
lồi cầu ngoài xương cánh tay
Lồi cầu ngoài xương cánh tay gây đau và ảnh hưởng đến các hoạt động tại tay của người bệnh

Hơn nữa, chính vì viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay cũng khiến cho người bệnh thường thấy suy yếu cơ duỗi cổ tay và cơ vai, họ sẽ cảm giác bị yếu sức khi cầm nắm hoặc khó mang đồ vật trong tay, đặc biệt là khi mở rộng khuỷu tay.

Các triệu chứng như trên kéo dài trung bình từ 2 tuần đến 2 năm. Tuy nhiên, có tới 89% bệnh nhân hồi phục trong vòng 1 năm mà không cần điều trị gì ngoại trừ có thể tránh các vận động kích thích gây khởi phát đau đớn, thường là do các chấn thương trong thể thao.

4. Cách chẩn đoán viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay như thế nào?

Các bước tiếp cận chẩn đoán viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bắt đầu bằng việc hỏi về mức độ hoạt động, các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp, tham gia thể thao, điều trị thuốc và các vấn đề y tế khác. Khi đến khám, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các cấu trúc của khuỷu tay và các khớp nhưng điều quan trọng vẫn là phải biết hoạt động nào gây ra các triệu chứng và vị trí tổn thương xảy ra trên cánh tay.

Ngoài những thăm khám lâm sàng, nhất là trong những trường hợp đã xảy ra cơn đau lâu dài, người bệnh có thể sẽ được chỉ định thêm chụp X-quang khuỷu tay. Kết quả có thể cho thấy viêm xương, thay đổi do khớp thoái hóa hoặc bằng chứng của các điểm vôi hóa. Bên cạnh đó, kiểm tra bằng siêu âm đã được chứng minh là một công cụ chẩn đoán hữu ích trong việc khảo sát những bệnh nhân bị đau khuỷu tay khi nghĩ đến viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Theo đó, siêu âm có thể chứng minh được mức độ tổn thương gân cũng như sự hiện diện của bao gân.

Hơn thế nữa, đối với các bệnh lý xương khớp nói chung, chụp cộng hưởng từ (MRI) là công cụ không xâm lấn có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Nếu các triệu chứng bệnh nhân có gợi ý liên quan đến vấn đề tại cổ, một phim MRI không chỉ giúp xác chẩn viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay mà sẽ còn cho thấy liệu có khả năng bị thoát vị đĩa đệm chồng lấp hay không.

Cuối cùng, công cụ điện cơ được sử dụng để loại trừ các trường hợp tổn thương gây đau do chèn ép dây thần kinh. Thật vậy, có nhiều bó sợi thần kinh phân bố và chi phối khu vực xung quanh khuỷu tay và các triệu chứng của chèn ép dây thần kinh cũng tương tự như viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay.

5. Các cách điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

5.1 Dùng thuốc

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường tự thuyên giảm khi người bệnh ngưng các hoạt động khởi kích. Chính vì vậy, chỉ khi người bệnh có cơn đau cường độ cao thì có thể được xem xét chỉ định các loại thuốc giảm đau đường uống toàn thân hay thuốc bôi, thuốc dán giảm đau tại chỗ.

5.2 Vật lý trị liệu

Nếu các triệu chứng là có liên quan đến kỹ thuật chơi quần vợt hay các môn thể thao, công việc, người bệnh cần được hướng dẫn lại kỹ thuật cầm vợt đúng cách hay điều chỉnh thao tác làm việc cho phù hợp. Trong tổn thương của viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, các hoạt động khởi kích rất cần được quan tâm nhằm kịp thời hóa giải, giảm chấn thương trên mô càng sớm càng tốt.

Đau tay
Điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bằng vật lý trị liệu

Song song đó, các chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn cho người bệnh các bài tập để dần dần kéo căng và tăng cường cơ bắp, đặc biệt là cơ bắp tay trước. Các bài tập lệch tâm, bao gồm hạ cổ tay, cũng có thể hữu ích. Ngoài ra, dây đeo hoặc nẹp ở cẳng tay giúp làm giảm căng thẳng cho mô bị thương nên cũng có hiệu quả giảm đau.

5.3 Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Thuốc tiêm: Bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc kháng viêm, huyết tương giàu tiểu cầu hay botox vào phần gân bị đau nhằm ức chế các phản ứng viêm, giảm đau tại chỗ.

Cắt dây chằng siêu âm (thủ thuật TENEX): Trong quy trình này, dưới sự hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ đưa một cây kim đặc biệt qua da và vào phần bị tổn thương của gân. Năng lượng siêu âm làm rung kim nhanh chóng đến mức mô bị tổn thương hóa lỏng và có thể được hút ra ngoài.

Phẫu thuật: Nếu các triệu chứng đau không cải thiện được sau sáu đến 12 tháng điều trị phối hợp đa phương cách, chỉ định phẫu thuật tại lồi cầu xương cánh tay cần được xem xét nhằm loại bỏ các mô đã bị tổn thương vĩnh viễn. Phẫu thuật này có thể được thực hiện thông qua một vết rạch lớn hoặc thông qua một số vết rạch nhỏ; tuy nhiên, các bài tập phục hồi chức năng sau đó là rất quan trọng để người bệnh chóng phục hồi.

5.4 Các cách thay đổi lối sống và biện pháp điều chỉnh tại nhà

  • Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động làm tăng thêm cơn đau tại khuỷu tay
  • Chườm nước đá hoặc túi lạnh trong 15 phút, lặp lại ba đến bốn lần một ngày
  • Thực hiện đúng kỹ thuật khớp cổ tay và khớp khuỷu, tránh các chuyển động cổ tay lặp đi lặp lại

6. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có nguy hiểm không?

Nhìn chung, 90% đến 95% bệnh nhân bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là có cơ hội cải thiện và phục hồi với các bước điều trị cơ bản như trên. Người bệnh hết đau và trở về sinh hoạt bình thường, không hạn chế nếu đã được điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ không đáp ứng với các liệu pháp bảo tồn mà sẽ cần phẫu thuật để sửa chữa bộ phận cơ-gân bị tổn thương quanh khuỷu tay. 80% đến 90% bệnh nhân được phẫu thuật sẽ cải thiện chức năng vận động nhờ giảm đau và trở lại sức mạnh ban đầu để có thể hoạt động không giới hạn nhưng trong điều kiện có quá trình tập vật lý trị liệu lâu dài sau đó.

Tóm lại, viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là hội chứng xảy ra khi có sự hoạt động quá sức tại khuỷu tay, làm chấn thương cơ duỗi của cẳng tay. Bệnh hay gặp trong các hoạt động lặp đi lặp lại của chi trên như sử dụng máy tính, nâng vật nặng, duỗi thẳng cẳng tay hay chơi tennis và các môn thể thao tương tự. Việc điều trị chủ yếu là hạn chế cử động nhằm tránh các tổn thương lên khớp, trước khi đòi hỏi đến thuốc giảm đau hay các kỹ thuật cao hơn.


Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.