Đi tìm nguyên nhân và cách xử lý khi bị đau cứng cổ
Bị đau cứng cổ là hiện tượng nhiều người gặp phải nhưng căn nguyên gây ra nó ở mỗi người không giống nhau. Trong số đó, có trường hợp chỉ do tác động của yếu tố khách quan nhưng lại có trường hợp xuất phát từ tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe. Vậy nguyên nhân gây đau cứng cổ là gì và nên xử lý thế nào khi gặp hiện tượng này, bài viết sau sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
1. Đau cứng cổ là như thế nào, nguyên nhân do đâu?
1.1. Như thế nào là đau cứng cổ?
Đau cứng cổ là biểu hiện của việc bị đau nhức ở vùng cổ với những mức độ khác nhau khiến cho cơ của vùng cổ bị co cứng nên người bệnh khó cử động hoặc không thể xoay đầu được. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi vận động mạnh hoặc xuất hiện vào buổi sáng, đôi khi chỉ thoáng qua hoặc bị mức độ nhẹ nên hay bị cho qua.
Bị đau cứng cổ khiến cho người bệnh khó cử động vùng cổ – vai gáy nên sinh hoạt bị ảnh hưởng
Khi bị đau cứng cổ người bệnh cũng sẽ gặp các hiện tượng:
– Vùng cổ bị đau nhức ngày càng nhiều.
– Co thắt và căng cơ bắp.
– Đau nhiều hơn khi đầu ở trong một tư thế suốt thời gian dài.
– Khả năng di chuyển đầu bị hạn chế, thậm chí không thể quay đầu được.
– Bị đau đầu.
Những biểu hiện trên đây thường kèm với căng cơ, khởi phát từ cơn đau cứng cổ rồi gây đau đầu hoặc lan xuống vùng vai gáy, phần cánh tay và bàn tay của người bệnh.
1.2. Tại sao bị đau cứng cổ?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một người bị đau cứng cổ, phổ biến nhất là:
1.2.1. Bị căng cơ hoặc mô mềm bị tổn thương
Các hoạt động thường ngày kèm ít vận động rất dễ làm cho các cơ bị kéo căng, điển hình có thể kể đến như:
– Cổ ở trong một vị trí suốt thời gian dài.
– Thường xuyên vận động và di chuyển đầu về hai phía.
– Nằm kê gối quá thấp hoặc quá cao.
– Ngủ bị sai tư thế.
– Gặp tai nạn lao động hoặc bị chấn thương khi chơi thể thao.
– Mang vật nặng trên một bên vai.
1.2.2. Mắc bệnh lý nào đó
Có một số bệnh lý xương khớp gây ra biểu hiện đau cứng cổ như:
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: nhân nhầy trong đĩa đệm bị rò rỉ ra bên ngoài vì khe hở của bao xơ bị rách sau đó chui vào ống sống và làm cho các dây thần kinh lân cận bị chèn ép.
– Hẹp ống sống cổ: các nốt viêm ở khớp khiến cho diện khớp giữa các đốt sống cổ bị phình to ra và chèn ép lên tủy sống cùng dây thần kinh. Kết quả là người bệnh bị đau cứng cổ, đau mỏi vai gáy, tê bì cánh tay.
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra triệu chứng đau và cứng cổ
– Thoái hóa cột sống cổ: đốt sống cổ, sụn khớp, đĩa đệm bị mài mòn theo thời gian gây nên cơn đau nhức và tình trạng cổ bị căng cứng.
– Viêm màng não: bệnh gây ra viêm nhiễm ở não tủy và cột sống do các tác nhân như nấm, vi khuẩn, virus. Người bị viêm màng não không chỉ có triệu chứng đau cứng cổ mà còn buồn nôn, sốt, nhức đầu, nhạy cảm trước ánh sáng,…
2. Khi bị đau cứng cổ, nên làm gì?
2.1. Theo dõi tại nhà
Ngay khi bị đau cứng cổ, người bệnh nên dừng lại để nghỉ ngơi, vài ngày sau hãy cố gắng làm những việc nhẹ nhàng để các mô mềm ở cổ có thời gian lành lại và tránh khiến cho hiện tượng này trở nên nặng hơn. Mặt khác, người bệnh cũng không được tìm cách đeo nẹp cổ mà hãy chú ý nếu phát hiện các hiện tượng sau thì nên đến bác sĩ ngay:
– Tình trạng cứng cổ không cải thiện vào 1 tuần sau.
– Sốt, buồn nôn, đau nhức đầu, buồn ngủ không rõ nguyên nhân.
– Cơn đau lan xuống chân hoặc cánh tay kèm theo cảm giác yếu ớt, nhức đầu, ngứa ran.
2.2. Can thiệp y tế
Với những trường hợp bị đau cứng cổ được thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi thăm tiểu sử bệnh đã mắc phải, khám và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như:
– Chụp X-quang, chụp MRI: để nhận biết nguyên nhân gây đau cứng cổ.
– Xét nghiệm máu: tìm kiếm dấu hiệu viêm nhiễm.
Dựa trên kết quả của những việc làm trên, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị hiện tượng đau cứng cổ đang được áp dụng gồm:
Bị đau cứng cổ kéo dài nên khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và biện pháp điều trị phù hợp
– Chườm lạnh/nóng xen kẽ
Những ngày đầu bị đau cứng cổ người bệnh có thể dùng túi chườm nóng hoặc lạnh để đặt vào vùng bị đau trong 15 – 20 phút để các cơ được thư giãn nhờ đó mà giảm sưng đau. Tiếp sau đó nên xen kẽ chườm nhiệt nóng với một miếng đệm nóng vừa phải hoặc tắm nước ấm để giảm đau.
– Sử dụng thuốc giảm đau
Khi chườm lạnh/nóng không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau với một số loại thuốc như: thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, Acetaminophen, tiêm Steroid,… Những thuốc này cần phải do bác sĩ kê đơn và cần dùng đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
– Thay đổi thói quen trong lối sống hàng ngày
Bằng cách thực hiện các bài tập có tác dụng kéo giãn cơ một cách nhẹ nhàng, giảm ngồi một vị trí trong thời gian dài, sử dụng gối kê vừa phải, nằm ngủ đúng tư thế,… người bệnh có thể giảm được cơn đau căng cứng cổ.
– Điều trị đau mỏi cơ
Kết hợp sử dụng thiết bị vật lý trị liệu với dùng tay để tác động vào mô cơ, giúp cơ được giãn sẽ khiến người bệnh được cải thiện lưu thông máu, giảm đau nhức, tăng cường sức đề kháng và có giấc ngủ ngon.
– Trị liệu thần kinh cột sống
Đây là phương pháp không cần dùng thuốc mà chỉ nắn chỉnh đốt sống cổ về đúng vị trí để giải phóng sự chèn ép lên dây thần kinh, giải tỏa tình trạng co cứng cơ nhờ đó mà người bệnh dần trở lại trạng thái cân bằng và không còn bị đau cứng cổ.
Cập nhật lần cuối ngày 17/11/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.