Điểm danh những “thủ phạm” gây chuột rút và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Chuột rút khiến bệnh nhân cảm thấy đau đột ngột và không thể cử động trong một thời gian ngắn. Vậy những nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này và có cách nào để khắc phục và phòng ngừa hiệu quả hay không?
1. Chuột rút là gì? Có nguy hiểm không?
Hiện tượng chuột rút thường xảy ra ở đùi, bắp chân hoặc bàn chân. Trong đó, bắp chân là vùng dễ bị nhất vì phải chịu nhiều áp lực của cơ thể và bị ảnh hưởng nhiều từ các tư thế làm việc, vận động.
Chuột rút có thể xảy ra trong khi vận động
Đây là tình trạng các cơn co thắt cơ mạnh và đột ngột, thậm chí có thể nhìn thấy rõ vùng cơ nổi hẳn trên bề mặt da, khiến người bệnh có cảm giác đau và không thể cử động trong vài giây hoặc vài phút. Sau đó, cơn đau sẽ biến mất hoàn toàn.
Hiện tượng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể trong hay ngay sau khi vận động, hoặc có thể xuất hiện ở cả những trường hợp đang ngủ khiến bệnh nhân tỉnh giấc. Người cao tuổi và bà bầu chính là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Đa số những trường hợp bị chuột rút đều không đáng lo ngại. Chỉ với một số biện pháp chăm sóc tại nhà cũng có thể cải thiện sức khỏe và phòng ngừa bệnh khá hiệu quả. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh nhân, chuột rút trở nên nghiêm trọng khi:
– Xuất hiện kèm theo một số triệu chứng như sưng tấy, đỏ ửng, thay đổi màu da, yếu cơ,..
– Dù đã được áp dụng một số biện pháp khắc phục khi bị chuột rút như chườm ấm, xoa bóp nhưng bệnh nhân vẫn có cảm giác đau đớn.
– Hiện tượng chuột rút xảy ra liên tục và thường xuyên, nhất là vào ban đêm khiến người bệnh khó ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, lâu dài có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
– Với những trường hợp đang vận động, chơi thể thao, chạy bộ, lái xe, điều khiển máy móc,… mà gặp phải tình trạng chuột rút có thể gây tai nạn. Chính vì thế, cần khởi động kỹ trước khi luyện tập để tránh gặp phải những tình huống xấu nhất do chuột rút.
2. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng chuột rút:
Vận động với cường độ cao kéo dài
Đây là tình trạng rất phổ biến ở các trường hợp phải thường xuyên vận động quá sức hoặc các vận động viên thể thao. Khi cơ thể phải vận động trong một thời gian dài với cường độ cao, các cơ bắp sẽ phải gắng sức liên tục, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, mỏi cơ, tích tụ Acid lactic ở cơ bắp khiến cho tín hiệu giữa cơ bắp với các dây thần kinh không còn hiệu quả, nhanh nhạy. Cuối cùng có thể gây ra chứng chuột rút.
Bệnh nhân có thể bị chuột rút ngay trong khi đang vận động, tập luyện. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị chuột rút sau vận động nhiều giờ. Trong đó, vùng đùi và bắp chân là hai vị trí dễ bị chuột rút do vận động quá sức.
Chấn thương cơ
Nếu vì một lý do nào đó dẫn tới chất thương cơ, cơ sẽ co thắt lại, giảm thiểu chuyển động. Đây giống như một cơ chế bảo vệ để tránh tình trạng chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, chấn thương cơ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chuột rút.
Mỏi cơ
Một số trường hợp đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu dẫn đến mỏi cơ và cuối cùng là gây chuột rút.
Thiếu Natri
Nếu không bổ sung đủ Natri trong chế độ ăn hoặc do bệnh lý, cơ thể sẽ có nguy cơ bị mất nước và chuột rút. Bên cạnh đó, một số bệnh lý khiến cho dịch tích tụ ở khoang bụng hoặc các trường hợp đang trong quá trình chạy thận cũng có thể thường xuyên gặp phải tình trạng chuột rút.
Thiếu hụt Canxi, Magie và Kali
Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ Canxi, Magie và Kali sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ và mô thần kinh và gây ra chuột rút.
Chuột rút thường gặp ở phụ nữ đang mang thai
Do mang thai
Ở các bà bầu do khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể thường tăng lên gấp nhiều lần. Nếu chế độ ăn không được bổ sung đầy đủ thì mẹ bầu rất dễ gặp phải tình trạng thiếu hụt các chất như Canxi, Magie,… từ đó dẫn tới tình trạng chuột rút.
Đến những tháng cuối, thai nhi phát triển mạnh, dễ gây chèn ép lên mạch máu, cơ và xương phải chịu áp lực lớn, nhất là phần chi dưới. Cũng chính vì thế, mẹ bầu thường xuyên bị đau nhức và chuột rút.
Mất nước
Mất nước có thể làm tăng nguy cơ chuột rút. Mất nước có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như do bị sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa nhiều hoặc do thời tiết nóng bức khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi nhưng lại không được bổ sung đủ nước.
Một số bệnh lý
Một số trường hợp thường xuyên bị chuột rút có thể là do các bệnh về rối loạn tuần hoàn máu, có thể kể đến như thiếu máu, bệnh về tim mạch hay huyết áp, suy thận,…
Do một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ cho người sử dụng, trong đó bao gồm tình trạng chuột rút. Nếu bạn đang sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai, thuốc có nguy cơ làm giảm lượng Magie và Kali thì cũng cần thận trọng với tình trạng chuột rút.
3. Một số phương pháp giúp khắc phục và phòng ngừa bệnh
Khi đã xác định được nguyên nhân gây chuột rút thì bạn có thể khắc phục bệnh một cách hiệu quả và phù hợp.
Xoa bóp chân để cải thiện tình trạng chuột rút
Dưới đây là một số gợi ý:
Đi bộ nhẹ nhàng.
Xoa bóp vị trí bị chuột rút.
Có thể thực hiện một số bài kéo căng cơ chân.
Chườm nóng để cơ được thư giãn.
Điều trị bằng cách khắc phục theo từng nguyên nhân cụ thể.
Để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần lưu ý những điều sau:
– Nên uống đủ nước mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày, nên bổ sung từ 1,5 đến 2 lít nước.
– Nên khởi động kỹ trước khi tập luyện, tập thể dục thường xuyên, đặc biệt nên áp dụng các bài tập nhẹ nhàng cho đôi chân trước khi ngủ.
Khởi động kỹ trước khi tập luyện để tránh nguy cơ chuột rút
– Bổ sung đa dạng thực phẩm để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất.
– Kiểm soát căng thẳng, luôn giữ tinh thần vui tươi, thoải mái.
Cập nhật lần cuối ngày 01/08/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.