Những ai có nguy cơ bị chuột rút khi ngủ? Nguyên nhân và cách khắc phục
Hiện tượng chuột rút vào ban đêm thường xuyên xảy ra ở nhóm người lớn tuổi. Tuy tình trạng này không quá ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nó làm cho người bệnh cảm thấy bất tiện và khó chịu trong thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến mất ngủ. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ bị chuột rút khi ngủ cao nhất?
1. Những ai dễ bị chuột rút khi ngủ?
Theo thống kê, có gần 33% số người trên độ tuổi 60 và một nửa người gia trên 80 tuổi thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm. Chứng bệnh này có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Tần suất bị chuột rút khi ngủ sẽ khác nhau tùy vào mỗi người, có bệnh nhân bị 3 lần/tuần, nặng hơn thì tình trạng này sẽ diễn ra mỗi ngày.
Biểu hiện rõ rệt nhất để phát hiện chứng chuột rút là cơ bị co thắt bất thường, không kiểm soát được. Hầu hết những trường hợp chuột rút đều xảy ra ở khu vực bắp chân, cơ đùi và cơ bàn chân. Nó vẫn có thể xảy ra bất thình lình trên cơ thể người khỏe mạnh, đó là một hiện tượng rất bình thường. Nhưng nếu tần suất lặp lại quá nhiều thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay nhé.
Đến gặp bác sĩ nếu thấy chuột rút xảy ra quá thường xuyên và lặp lại nhiều lần
2. Nguyên nhân gây ra hiện tượng chuột rút khi ngủ
Có nhiều tác nhân khác nhau gây nên chứng chuột rút ban đêm. Tùy trường hợp mỗi người sẽ có những nguyên do riêng. Có thể kể đến những nguyên nhân tiêu biểu như: lạnh chân, vận động quá sức, thiếu nước, mất cân bằng điện giải, thiếu dinh dưỡng, tuần hoàn máu kém,…
2.1. Vận động quá sức gây chuột rút khi ngủ
Những hoạt động quá sức vào ban ngày sẽ làm cho cơ bắp của bạn mệt mỏi, nặng hơn dẫn đến chấn thương. Trong quá trình vận động, lượng đường ở gan bị tiêu hao quá mức mà cơ thể vẫn chưa kịp bổ sung calo làm tăng nguy cơ bị chuột rút ở chân.
2.2. Mất cân bằng chất điện giải và thiếu nước
Thường xuyên hoạt động ngoài trời, phơi nắng lâu làm cơ thể bị đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước và các chất điện giải. Nếu bạn không bổ sung nước kịp thời, ban đêm khi ngủ rất dễ xảy ra tình trạng mất nước. Ngoài ra, thói quen uống cà phê và các loại trà lợi tiểu cũng làm cho cơ thể bị mất cân bằng các chất điện giải và thiếu nước.
Vận động tiết nhiều mồ hôi gây thiếu nước dẫn đến chuột rút về đêm
2.3. Thiếu dinh dưỡng gây chuột rút khi ngủ
Chế độ ăn uống thiếu khoa học và mất cân đối làm cho các chất dinh dưỡng trong cơ thể như: kali, canxi, magie,…bị thiếu hụt nghiêm trọng. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng điện giải, từ đó bạn dễ bị chuột rút khi ngủ.
2.4. Phụ nữ đang mang thai và khả năng chuột rút về đêm
Khá bất ngờ khi tỷ lệ chuột rút xảy ra ở phụ nữ mang thai khá cao so với người bình thường. Nguyên do là vì cơ thể họ lúc này đang tích trữ một lượng lớn nước, gây mất cân bằng điện giải, cùng với cân nặng của thai nhi gây khó khăn cho quá trình tuần hoàn máu. Ngoài ra, tình trạng canxi máu bị hạ vì sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn thai kỳ cũng gây ra hiện tượng chuột rút.
Nguy cơ bị chuột rút trong lúc ngủ ở phụ nữ có thai cao hơn người bình thường
2.5. Người mắc bệnh lý về thận có nguy cơ chuột rút khi ngủ cao
Những người thường xuyên phải lọc thận, suy thận thì các chất dư thừa trong cơ thể sẽ không được chuyển hóa một cách hiệu quả. Thời gian quá trình này diễn ra ở những bệnh nhân suy thận sẽ lâu hơn người bình thường gấp 2 đến 3 lần. Cuối cùng, sự thay đổi liên tục các chất điện giải có trong quá trình lọc thận sẽ gây ra hiện tượng chuột rút.
2.6. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng
Những ai luôn trong trạng thái căng thẳng, áp lực quá mức do công việc, học tập thì khả năng chuột rút khi ngủ sẽ cao hơn bình thường. Vì lúc này, sự mất cân bằng các hormone trong cơ thể diễn ra làm tăng huyết áp, nhịp tim nhanh. Thường thì chuột rút hay tập trung ở khu vực bàn chân, bắp chân, đôi khi lên đến cơ đùi trước và sau.
Tâm trạng căng thẳng và lo lắng thường xuyên cũng là lý do khiến bạn bị chuột rút
2.7. Chuột rút khi ngủ do tuần hoàn máu kém
Việc ngồi lâu khi làm việc trong môi trường văn phòng sẽ vô tình tạo ra áp lực lên các mạch máu và cơ bắp, đặc biệt ở vùng chân làm cho tuần hoàn máu kém. Ngoài ra, những ai có thói quen cong chân, gập, co chân cũng làm tăng nguy cơ bị chuột rút khi ngủ.
Khi duy trì tư thế ngủ này, mỗi lần cử động nhẹ có thể làm bạn bị chuột rút. Bên cạnh đó, việc mang giày cao gót tuy đẹp nhưng nó làm máu khó lưu thông do mũi giày chèn ép lên các ngón chân, từ đó khiến chân bị chuột rút.
3. Cách ngăn ngừa
Để làm giảm tần suất xảy ra của hiện tượng này, bệnh nhân cần tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên để khí huyết được lưu thông. Trước khi lên giường ngủ, bạn có thể thực hiện các bài tập kéo căng cơ bắp chân hoặc vận động nhẹ nhàng trong khoảng vài phút. Vào ban ngày, người bệnh hãy chọn một môn thể thao cho đôi chân của mình được hoạt động đều đặn, ví dụ như: đạp xe, bơi lội, đi bộ,…
Thói quen vận động vào ban ngày sẽ làm giảm tình trạng chuột rút trong buổi đêm
Những ai bị chuột rút không nên đi tắm nếu cảm thấy nước quá lạnh, hoặc tắm trong bể bơi, tắm biển thì càng không nên. Mỗi khi làm việc nặng nhọc và tiết nhiều mồ hôi, bạn cần chú ý pha loãng muối ăn với nước uống để bổ sung nước và tránh mất cân bằng điện giải trong cơ thể (có thể dùng dung dịch oresol).
Hãy nhớ uống ít nhất từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Bên cạnh đó, thay đổi sang chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây như: chuối, đậu, nho, cam, đu đủ, mơ, sầu riêng xoài, lựu,…
Nếu phát hiện các bệnh kèm theo như: huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, loãng xương, rối loạn chuyển hóa, bệnh tuyến giáp, bệnh về thần kinh thì nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để điều trị sớm nhất có thể.
Tuy chuột rút khi ngủ là một hiện tượng hết sức bình thường và trông có vẻ vô hại. Tuy nhiên, nếu tần suất xảy ra quá thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều bất tiện và khó khăn cho người bệnh. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có nhiều thông tin hữu ích và khắc phục được tình trạng chuột rút về đêm nhé.
Tham khảo các triệu chứng liên quan:
Cập nhật lần cuối ngày 22/10/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.