Những người dễ bị viêm khớp cổ tay
Viêm khớp cổ tay có thể gặp ở mọi người nhưng phổ biến ở người cao tuổi, vận động viên, nhân viên văn phòng, người làm nghề may vá…
ThS.BSNT Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm khớp cổ tay là tình trạng tổn thương các bộ phận cấu thành khớp cổ tay như mô sụn, đầu xương, dây thần kinh, màng bao hoạt dịch, dây chằng… Tổn thương có thể xảy ra do chấn thương, thoái hóa hoặc các bệnh lý như gout, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm khớp cột sống, viêm khớp vảy nến…
Viêm khớp cổ tay đặc trưng bởi các triệu chứng đau nhức, ê mỏi, tê cứng, sưng nóng, cứng ở cổ tay… Có trường hợp, người bệnh cần 30-60 phút khởi động khớp cổ tay vào mỗi buổi sáng để khớp có thể hoạt động bình thường.
Viêm khớp cổ tay là một bệnh lý có thể gặp ở mọi người nhưng phổ biến nhất là ở các nhóm đối tượng sau:
Người cao tuổi
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% người trên 60 tuổi bị tổn thương khớp và tỉ lệ này ở người trên 75 tuổi là 80-90%. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Bệnh thường xuất hiện những dấu hiệu rõ rệt đầu tiên trong giai đoạn 20-40 tuổi.
Nhân viên văn phòng
Tính chất công việc phải gõ bàn phím máy tính liên tục khiến nhân viên văn phòng thường bị tê mỏi, đau nhức khớp cổ tay, bàn tay và các ngón. Tình trạng này dần chuyển thành viêm khớp cổ tay hoặc hội chứng ống cổ tay.
Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh
Có tỷ lệ bị viêm khớp cổ tay khá cao. Nguyên nhân là do sự sụt giảm nội tiết tố nữ progesterone, estrogen, testosterone trong quá trình mang thai và cho con bú. Tình trạng này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cổ tay mà còn liên quan đến nhiều bệnh lý cơ xương khớp khác.
Vận động viên
Các bộ môn sử dụng tay nhiều như cầu lông, bóng rổ, tennis, bóng bàn, bóng chuyền… thường có nguy cơ cao mắc viêm khớp cổ tay. Lúc này, viêm khớp cổ tay có thể xảy ra do chấn thương hoặc vận động quá sức.
Ngoài các nhóm đối tượng trên, những người hoạt động khớp cổ tay nhiều cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này như thợ may công nghiệp, công nhân trong các dây chuyền sản xuất, lái xe đường dài…
Bác sĩ Ánh Ngọc nhấn mạnh, viêm khớp cổ tay chỉ là một triệu chứng cảnh báo các bệnh lý khác. Do đó, để điều trị dứt điểm, cần tìm ra nguyên nhân thật sự gây viêm khớp cổ tay. Phần sụn khớp bị tổn thương lâu ngày nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng bào mòn, hẹp dần các khe khớp. Từ đó dẫn đến hiện tượng teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp gây mất khả năng vận động.
Các phương pháp điều trị viêm khớp cổ tay sẽ khác nhau ở mỗi người bệnh, tùy thuộc nguyên nhân và tình trạng bệnh. Ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa với thuốc, tiêm tại chỗ, vật lý trị liệu, mang nẹp… Trong trường hợp nặng, khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong đợi, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Ánh Ngọc cho biết, viêm khớp cổ tay có thể tái phát sau khi điều trị thành công nếu người bệnh tiếp tục các thói quen gây bệnh. Do đó, để ngăn ngừa bệnh tái phát hoặc tiến triển nặng, người bệnh nên tuân thủ lối sống khoa học nhằm duy trì hệ xương khỏe mạnh, đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa. Cụ thể, hạn chế tham gia các môn thể thao tác động trực tiếp đến cổ tay như đánh cầu lông, tennis,… khuyến khích tham gia với các môn có cường độ vận động nhẹ như bơi lội, đi bộ, yoga để tránh gây kích thích và tổn thương ổ khớp. Hạn chế mang vác vật nặng, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tổn thương khớp cổ tay.
Tạo thói quen nghỉ 5-10 phút sau mỗi giờ đánh máy, vẽ hoặc may vá… Không uống rượu bia, không hút thuốc. Trong bữa ăn hàng ngày cần điều chỉnh hàm lượng đạm phù hợp, uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây… Thăm khám bác sĩ định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện bất thường ở khớp cổ tay.
Theo Phi Hồng/ VNEXPRESS
Cập nhật lần cuối ngày 17/09/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.