Nỗi khổ sở của người cao tuổi mắc bệnh cơ xương khớp vào mùa lạnh
Đau nhức khiến mất ngủ, khó khăn đi lại, vận động, thậm chí không được điều trị kịp thời có thể gây tàn phế,… là những hậu quả nghiêm trọng của bệnh lý xương khớp dễ gặp ở người cao tuổi, nhất là trong mùa đông giá rét này.
Tại sao bệnh lý xương khớp nghiêm trọng hơn ở người cao tuổi vào mùa lạnh?
Cơ xương khớp là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Theo thống kê tại Anh, bệnh cơ xương khớp chiếm khoảng 50% dân số, tỷ lệ tương đương ở nam và nữ. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc các bệnh xương khớp cao nhất thế giới. Ước tính của ngành y tế, con số này đã tăng khoảng 20% so với trước đây.
Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) , các bác sĩ gặp bệnh nhân đau khớp ở nhiều lứa tuổi, cả trẻ em và người cao tuổi. Trong đó, người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao với những bệnh phổ biến như thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, loãng xương.
Người cao tuổi là đối tượng có tỷ mắc các bệnh cơ xương khớp cao nhất
Đặc biệt, tỷ lệ người cao tuổi đến khám vì đau khớp tăng mạnh khi thời tiết lạnh. Thời tiết lạnh kèm giảm áp suất khí quyển làm tăng áp lực nội tại ở các khớp kèm theo co cơ và mạch máu xung quanh khớp khiến người bệnh đau đớn hơn. Đặc biệt, thời tiết lạnh kèm theo tăng thời gian ban đêm của mùa đông cũng là yếu tố tác động lên tâm lý, cảm xúc khiến người bệnh dễ trầm cảm, lo âu hơn, từ đó tăng cảm giác đau cơ thể.
Điều cần lưu ý là khi bệnh nhân hạn chế vận động do lạnh, do đau, dẫn đến nguy cơ ngã tăng lên, trong đó cần hết sức chú ý ở người bị loãng xương, bởi nguy cơ gãy xương ở những bệnh nhân này rất cao.
Ngoài ra, vào mùa đông chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân cũng có một số thay đổi. Người dân có xu hướng uống rượu, tập trung ăn uống liên hoan nhiều dẫn đến tăng acid uric máu, tăng nguy cơ đau khớp cấp tính do gout.
Cách phòng tránh những bệnh lý xương khớp
Bệnh cơ xương khớp có thể phòng tránh một cách hiệu quả, vì vậy, để có hệ xương khỏe mạnh nên phòng tránh bằng những cách sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh như bổ sung các thực phẩm có hàm lượng canxi cao như tôm, cua, cá, ngũ cốc, rau xanh, sữa, trứng… kết hợp tắm nắng thường xuyên để đảm bảo cho xương chắc khỏe.
- Chế độ vận động: Vận động mỗi ngày 30 phút bằng cách tập thể dục vừa sức (khởi động trước khi tập), mùa đông nên tập thể dục trong nhà.
- Chế độ nghỉ ngơi: Ngủ đủ giấc ngày 8 giờ, tránh thức khuya, tránh căng thẳng …
- Giữ ấm cơ thể, chườm ấm cạnh khớp, xoa bóp tại chỗ…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện bệnh sớm, không chỉ là bệnh lý cơ xương khớp mà là còn các bệnh lý ở các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh kịp thời và điều trị hiệu quả
Nếu thấy triệu chứng đau khớp thường xuyên, cứng khớp khó vận động vào mỗi sáng sớm khi thức dậy, đau khớp nhiều về đêm, sưng nóng đỏ khớp, sốt, gầy sút cân…. người dân nên đi khám để phát hiện bệnh sớm.
“Công thức” kiểm tra các bệnh lý xương khớp
Bằng kinh nghiệm khám chữa bệnh của BS Nga cho biết: Đa phần người mắc bệnh lý cơ xương khớp là do thoái hóa nên bệnh nhân có thể theo dõi tại nhà. Trường hợp người bệnh bị sưng, đau khớp nhiều, hoặc có bệnh lý toàn thân như sốt, mệt mỏi thì nên vào viện khám, những bệnh nhân chưa có tiền sử bệnh lý về khớp trước đó thì nên đi khám sớm nhất có thể.
Thực tế lâm sàng, bác sĩ đã gặp rất nhiều bệnh nhân đến khám cơ xương khớp mà trước đó đã mất thời gian điều trị thuốc tại nhà không rõ loại, không rõ chẩn đoán, khi đến viện khám đã bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm, đặc biệt là những bệnh khớp viêm (như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp….) dẫn đến nguy cơ dính khớp, tàn tật về sau.
Người bệnh có thể tự theo dõi tại nhà qua các triệu chứng và xét nghiệm định kỳ. Các triệu chứng cần theo dõi bao gồm: Đau khớp, sưng khớp, cứng khớp, mức độ hạn chế vận động, tê bì, yếu cơ…. kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, thay đổi cân nặng, nổi ban, …. Bên cạnh đó, người bệnh có thể theo dõi qua xét nghiệm máu như acid uric ở người tăng acid uric máu hoặc gout; calci, vitamin D, β crosslaps ở bệnh nhân loãng xương theo hướng dẫn bác sỹ.
Thông thường đi kiểm tra bệnh lý xương khớp, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định làm những xét nghiệm sau để được chẩn đoán, theo dõi bệnh lý gồm:
- Xét nghiệm cơ bản: Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, men gan, chức năng thận, chỉ số viêm (CRP, máu lắng), calci, vitamin D;
- Xét nghiệm đặc hiệu theo bệnh lý: Gout (acid uric), viêm khớp dạng thấp (RF, anti CCP), loãng xương (β crosslaps), viêm cột sống dính khớp (HLA B27), bệnh hệ thống (kháng thể kháng nhân – ANA, kháng thể kháng chuỗi kép – dsDNA, Anti Sm, pANCA, cANCA…);
- Xét nghiệm dịch khớp: Tìm vi khuẩn gây bệnh nếu nghi ngờ nhiễm trùng, kiểm tra lao khớp, tìm tinh thể urat trong bệnh gout…
Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
- Siêu âm khớp: Phát hiện dịch khớp, tổn thương phần mềm quanh khớp, phát hiện những thay đổi sớm trong bệnh viêm khớp.
- Chụp X-quang khớp: Phát hiện tổn thương xương bao gồm: gãy xương, rạn nứt xương, u xương; tổn thương khớp như hẹp khe khớp, gai xương thoái hóa, khuyết xương, dính khớp….
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner): Đánh giá tổn thương u xương, chấn thương xương – chấn thương cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá các tổn thương của khớp, dây chẳng, cơ, tủy xương, u xương, áp-xe….
Đau cơ xương khớp tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời
Cập nhật lần cuối ngày 16/09/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.