Trời lạnh bị nhức xương là do đâu?
Trời lạnh bị nhức xương là vấn đề thường xảy ra ở những người cao tuổi và các trường hợp mắc bệnh về xương khớp. Để biết nguyên nhân nào khiến cơn đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa lạnh và cách phòng tránh hiệu quả, mời bạn tham khảo những thông tin dưới đây.
1. Trời lạnh bị nhức xương và những triệu chứng thường gặp
Người trung niên, người cao tuổi hoặc các trường hợp mắc bệnh về xương khớp đều cho biết những triệu chứng của họ trở nên nghiêm trọng hơn khi trời chuyển lạnh đột ngột hoặc nhiệt độ giảm quá thấp. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết về tình trạng trời lạnh bị nhức xương:
– Mức độ đau tăng lên: Khi trời chuyển lạnh, người bệnh sẽ cảm nhận rõ những cơn đau nhức tăng lên ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là ở những khớp đang bị tổn thương. Trong đó, vùng khớp gối, thắt lưng, cổ vai gáy,… là những vị trí dễ bị đau nhất. Những cơn đau thường tăng lên vào sáng sớm hoặc ban đêm vì đây là những thời điểm lạnh nhất trong ngày.
Trời lạnh dễ bị đau xương khớp
– Tê, sưng khớp: Không chỉ đau nhức, nhiều vị trí khớp của người bệnh còn có biểu hiện tê và sưng. Biểu hiện này thường gặp ở người cao tuổi do chất lượng xương ở độ tuổi này đã bị suy giảm. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì tê, sưng khớp cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như loãng xương, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm hoặc viêm khớp dạng thấp,…
– Cứng khớp: Là hiện tượng các khớp bị cứng, đơ khiến bệnh nhân không thể hoặc rất khó để cử động. Tuy nhiên, tình trạng này thường kéo dài không lâu, chỉ khoảng 10 đến 30 phút. Thường gặp nhất là vào buổi sáng sớm, khi người bệnh vừa thức giấc. Khi xoa bóp và cử động khớp nhẹ nhàng, tình trạng này sẽ được cải thiện. Trong điều kiện thời tiết lạnh, tình trạng cứng khớp thường nghiêm trọng hơn và tái phát nhiều lần.
– Phát ra âm thanh lạo xạo: Người bệnh không chỉ cảm thấy đau đớn khi vận động mà còn nghe được âm thanh phát ra từ khớp. Nguyên nhân gây ra những âm thanh này là do các xương cọ xát vào nhau. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến tổn thương và đau nhức khớp nghiêm trọng.
Những triệu chứng đau nhức xương khớp kể trên ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Khi bị đau nhức, mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày và trong lao động của người bệnh đều rất khó khăn. Người bệnh còn bị mất ngủ do những cơn đau xảy ra vào ban đêm. Về lâu dài, bệnh ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
2. Trời lạnh bị nhức xương là do đâu?
Theo các chuyên gia, hiện tượng trời lạnh bị nhức xương có thể do những nguyên nhân sau:
– Áp suất khí quyển: Phần lớn những người mắc các bệnh lý về xương khớp đều bị bào mòn lớp sụn phủ lên xương bên trong khớp. Điều này khiến cho các dây thần kinh tại đây nhạy cảm hơn và cảm nhận rõ hơn về sự thay đổi của áp suất khí quyển. Bên cạnh đó, sự thay đổi của áp suất cũng khiến cho những phần như cơ, gân hay các mô sẹo dễ bị co lại và gây đau đớn.
Đau nhức xương do dịch khớp giảm
Ngoài ra, chất lượng dịch khớp cũng giảm trong điều kiện thời tiết lạnh. Khi đó, những phản ứng phức tạp ở các mô xung quanh khớp cũng làm tăng nguy cơ viêm và sưng đau tại khớp. Trời lạnh cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể khiến những cơn đau càng trở nên khó chịu hơn.
– Nhiệt độ thấp làm khô cứng khớp: Khi nhiệt độ giảm, dịch khớp sẽ đặc hơn và dẫn tới tình trạng khô cứng khớp. Hơn nữa, trời lạnh cũng khiến cho tuần hoàn máu trong cơ thể kém hơn, mạch máu co lại và từ đó làm giảm máu nuôi khớp, gây tổn thương sụn cũng như màng hoạt dịch khớp. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, thời tiết giảm chỉ là nguyên nhân tạm thời khiến cho các cơn đau nhức nghiêm trọng hơn và không phải là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về xương khớp.
3. Làm sao để phòng ngừa tình trạng trời lạnh bị nhức xương?
Để phòng tránh nguy cơ trời lạnh bị nhức xương, bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
Nên giữ ấm cho cơ thể để giảm đau nhức xương
– Giữ ấm cho cơ thể: Đây là phương pháp đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả cao. Người bệnh nên chú ý giữ ấm vùng cổ, vùng ngực, tay chân, khớp gối,…Trong trường hợp xảy ra tình trạng đau nhức ở các khớp có thể xoa bóp để làm ấm nóng các khớp. Hoặc cũng có thể xoa dầu chườm ấm,… Tuy nhiên, nếu các khớp đang bị sưng viêm thì không nên chườm ấm hay xoa bóp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần tránh tập thể dục khi trời quá lạnh hoặc có nhiều gió hay độ ẩm cao,…
– Nghỉ ngơi hợp lý: Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý để tránh tác động lực lên các khớp. Trong sinh hoạt hoặc lao động có thể đeo đai lưng, đeo găng, dùng gậy chống,… Đối với những trường hợp phải ngồi nhiều giờ làm việc như công nhân may, nhân viên văn phòng thì cần hạn chế ngồi làm việc quá lâu. Sau mỗi giờ làm việc nên đứng lên đi lại để giảm áp lực lên các khớp và giúp tinh thần thoải mái để làm việc tốt hơn.
Duy trì chế độ ăn uống khoa học
– Chế độ ăn uống khoa học, phù hợp: Người bệnh cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là protein, collagen, canxi hay các loại vitamin C, D và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Nên uống đủ nước để tăng cường lưu thông máu giúp các khớp được nuôi dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, nên điều chỉnh chế độ ăn uống để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì, nên kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải để tránh gây áp lực lên xương khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt đỏ, nội tạng động vật, thực phẩm chua cay hoặc mặn và nên tránh sử dụng các chất kích thích.
– Không lạm dụng thuốc giảm đau để hạn chế nguy cơ tác dụng phụ và khiến cho tình trạng đau nhức xương khớp càng nghiêm trọng hơn. Tốt nhất, chỉ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Tập luyện để tăng cường sức khỏe khớp
– Rèn luyện xương khớp theo chế độ phù hợp để tăng cường lưu thông khí huyết và giúp các mô sụn hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, đồng thời tăng tiết dịch để bôi trơn các khớp.
Cập nhật lần cuối ngày 24/12/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.