Tư vấn: Cần xử lý như thế nào khi bị chấn thương phần mềm?
Theo thông kế, chấn thương phần mềm là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều người phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Nếu các chấn thương này được xử lý kịp thời và đúng cách sẽ làm giảm triệu chứng tức thì và giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
1. Tìm hiểu về chấn thương phần mềm
Trong cuộc sống thì việc bất ngờ gặp phải các chấn thương phần mềm là điều khó tránh. Đặc biệt là với những người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, chơi thể thao, vận động mạnh,…. sẽ rất dễ bị chấn thương. Thậm chí, ngay cả khi bạn bước đi vội vã trên đôi giày cao gót cũng có thể gây tổn thương phần mềm.
Các chấn thương do vận động mạnh, chơi thể thao,… rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay
Vậy chấn thương phần mềm bao gồm những gì? Đây là thuật ngữ dùng để diễn tả chung cho các loại tổn thương ở cơ, gân, dây chằng và phần da, mỡ, bao khớp cũng như tổ chức liên kết khác.
Khi phần mềm chịu tác động bởi một lý do nào đó dẫn đến tổn thương khiến cho mạch máu nuôi các tổ chức này cũng bị ảnh hưởng, gây chảy máu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tại vị trí bị chấn thương, đồng thời thấy phần mềm sưng to, làm giảm hoặc mất khả năng vận động. Máu chảy càng nhiều,tình trạng sưng càng nặng và gây đau đớn dữ dội. Chính vì vậy mà việc sơ cứu ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu, giảm đau cho bệnh nhân.
2. Phương pháp xử lý ban đầu khi bị chấn thương
Nhiều khi bị các chấn thương như bong gân, căng cơ, dập tím phần mềm,… thì cho rằng đây chỉ là vấn đề nhỏ nhặt nên chủ quan, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng và đau dai dẳng. Một số trường hợp chỉ vì không xử lý đúng cách mà dẫn đến hậu quả là khả năng vận động bị hạn chế đồng thời tăng nguy cơ viêm cứng khớp và làm biến dạng hoặc teo khớp, đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
Việc xử lý đúng cách ban đầu khi bị chấn thương sẽ giúp giảm đau, sưng tấy và quá trình hồi phục nhanh chóng
Tuy nhiên, làm thế nào để xử lý ban đầu đúng với các chấn thương phần mềm thì không phải ai cũng biết cách. Dưới đây là những nguyên tắc xử lý ban đầu cơ bản mà bạn nên ghi nhớ để áp dụng trong những trường hợp cần thiết.
Trong khoảng thời gian trước 72 giờ đầu sau khi bị chấn thương, bạn cần phải thực hiện nguyên tắc sơ cứu RICE bao gồm Rest – Ice – Compression – Elevation, tương ứng với Nghỉ ngơi – Chườm lạnh – Băng ép – Kê cao.
Nghỉ ngơi
Sau khi gặp chấn thương, bạn cần được nghỉ ngơi và hạn chế tối đa sự di chuyển, vận động để làm giảm lượng máu chảy và triệu chứng đau. Đồng thời, bạn cũng phải hạn chế các lực tác động đến vị trí bị chấn thương, ví dụ nếu bị ở chân thì dừng việc đi lại, ở tay thì treo hay nâng đỡ bằng tay còn lại,… để ngăn ngừa tổn thương lan rộng.
Chườm đá
Chườm đá nhanh chóng sau khi bị tổn thương sẽ giúp ngăn cản lượng máu tưới đến vùng bị thương, làm giảm các cơn co thắt gây đau, tình trạng sưng tấy và hạn chế chảy máu. Cứ sau 2 – 3 giờ thì bạn chườm đá 1 lần khoảng 20 phút. Đá nên được bọc trong một khăn mềm, xoa nhẹ nhàng lên vị trí bị chấn thương và vùng da xung quanh.
Băng ép
Sử dụng các loại băng thun quấn quanh vị trí bị chấn thương để giảm chảy máu và tình trạng sưng nề. Lưu ý không nên băng quá chật sẽ có thể gây căng tức, có thể băng rộng ra xung quanh ở phía trên và dưới vùng bị tổn thương.
Kê cao
Với những vị trí bị tổn thương thì việc gác cao hơn so với tim sẽ giúp máu chảy ngược về tim, có tác dụng giảm đau, giảm phù nề hiệu quả. Trường hợp chấn thương phần mềm ở chi dưới thì kê chân lên cao còn ở tay thì treo tay bằng đai.
Trong vòng 48 giờ thì các chấn thương như bong gân hay căng cơ, sau khi xử lý bằng những nguyên tắc nói trên sẽ cho hiệu quả rõ rệt và thời gian hồi phục nhanh chóng.
Phương pháp xử lý chấn thương phần mềm ban đầu nhằm mục đích giảm lượng máu chảy và các triệu chứng đau, sưng tấy cho bệnh nhân
3. Những lưu ý khi bị chấn thương phần mềm
Trong trường hợp các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng hơn thì bạn phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được khám và điều trị. Đồng thời, bạn cũng cần phải chú ý đến một số vấn đề sau để không làm tình trạng bệnh xấu hơn:
Thói quen của người Việt là sử dụng dầu nóng nhất là khi bị bong gân, chấn thương gây bầm, tím,… Tuy nhiên, thói quen này lại gây tác dụng ngược. Tuyệt đối không được sử dụng dầu nóng khi bị chấn thương vì sẽ khiến lượng máu tưới tới vị trí đó càng nhiều khiến cho các triệu chứng như đau, sưng nề, chảy máu nặng hơn.
Việc cố gắng vận động trong vòng 72 giờ khi bị tổn thương sẽ gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng xấu đến tình trạng chấn thương.
Không sử dụng các phương pháp xử lý chưa được kiểm chứng theo kinh nghiệm dân gian, không thoa cồn, rượu sẽ tăng biểu hiện phù nề, đôi khi còn khiến các tổn thương lan rộng, tăng nguy cơ nhiễm trùng và khả năng hồi phục lâu.
Với các cơn đau dữ dội, nhiều người cho rằng việc massage có thể giảm đau những thực tế lại có tác dụng ngược lại bởi hành đồng này khiến máu chảy đến vị trí tổn thương càng nhiều, tình trạng sưng to hơn, tổn thương nghiêm trọng và đau đớn hơn.
Tuyệt đối không sử dụng dầu nóng khi bị chấn thương bởi dầu có thể khiến tình trạng trở nên nặng hơn
Các phương pháp nêu trên chỉ mang tính xử lý tạm thời nhằm hạn chế các chấn thương phần mềm tiến triển nặng hơn. Do vậy mà sau khi đã thực hiện các nguyên tắc nói trên, tốt nhất thì bạn nên đến gặp bác sĩ tại những cơ sở chất lượng được được thăm khám và kiểm tra kỹ hơn. Việc xử lý và can thiệp các chấn thương đúng cách trong thời gian sớm sẽ giảm các triệu chứng, làm cho tổn thương nhanh chóng hồi phục.
Trong nhiều trường hợp, để giảm các cơn đau cho bệnh nhân, bác sĩ có thể cho chỉ định sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, sau khi thuốc hết tác dụng, cơn đau có thể trở lại, do đó mà cần phải sử dụng các loại thuốc mang tính đặc trị hơn.
Cập nhật lần cuối ngày 20/01/2023
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.