Cảnh giác với những dấu hiệu thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp cổ chân thường gặp ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Không nên chủ quan với căn bệnh này vì nó có thể làm suy giảm nghiêm trọng chức năng vận động của người bệnh. Ngược lại, nếu biết áp dụng đúng phương pháp điều trị, bệnh thoái hóa khớp sẽ được cải thiện đáng kể và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
1. Một số dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp cổ chân
Ngoài vấn đề lão hóa do tuổi tác, tình trạng thoái hóa khớp cổ chân còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau chẳng hạn như do chấn thương, lao động nặng, hoặc vận động sai tư thế, do thừa cân béo phì hay cũng có thể do mắc phải một số loại bệnh,…
Đau cổ chân do thoái hóa khớp
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây ra triệu chứng hoặc những triệu chứng ít nghiêm trọng và không diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, nếu cơ thể xảy ra những dấu hiệu bất thường, dù ở mức độ nhẹ hay nghiêm trọng, bạn vẫn nên đi khám càng sớm càng tốt. Bệnh thoái hóa khớp cổ chân có thể tiến triển âm thầm và gây ra những hệ lụy sức khỏe vô cùng nghiêm trọng. Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể của bệnh:
– Người bệnh bất chợt bị đau nhức mà không phải do va đập. Khi lao động nặng hoặc gắng sức thì cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn.
– Khi nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ thuyên giảm rõ rệt.
– Cảm giác đau nhức sẽ khiến cho khớp cổ chân giảm biên độ và phạm vi hoạt động.
Rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng thoái hóa khớp cổ chân. Tuy nhiên, nếu không điều trị, căn bệnh này có thể gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như sau:
– Tràn dịch khớp cổ chân: Nếu không được áp dụng các phương pháp điều trị, bệnh có thể dẫn tới hiện tượng tràn dịch khớp cổ chân khiến vùng khớp cổ chân bị sưng đỏ và đau nhức liên tục.
Thoái hóa khớp chỗ chân ảnh hưởng đến khả năng vận động
– Teo cơ: Tình trạng thoái hóa khớp cổ chân tiến triển chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cứng khớp, teo cơ,… Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với tình trạng biến dạng khớp, thay đổi dáng đi,… Từ đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, giảm chất lượng sống của người bệnh.
Như vậy, tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng thoái hóa khớp cổ chân nói riêng và bệnh thoái hóa khớp nói chung vẫn được xếp vào nhóm các loại bệnh nguy hiểm và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
2. Điều trị thoái hóa khớp cổ chân bằng phương pháp tập luyện, xoa bóp
Có thể điều trị thoái hóa khớp cổ chân cho người bệnh bằng nhiều phương pháp đa dạng khác nhau, thậm chí có thể kết hợp các phương pháp với nhau để có được kết quả tốt nhất. Mục đích điều trị là giảm đau, phục hồi chức năng khớp, phòng ngừa biến chứng teo cơ, tàn tật cho người bệnh.
Vật lý trị liệu mang lại hiệu quả cao trong điều trị thoái hóa khớp
– Dưới đây là các phương pháp phổ biến nhất:
+ Điều trị bằng thuốc, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu và chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
+ Phương pháp phẫu thuật: Thường được chỉ định khi những phương pháp nêu trên không mang lại hiệu quả và bệnh đã gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của người bệnh.
– Trong đó, phương pháp xoa bóp từ cẳng chân đến cổ chân, bàn chân và ngón chân có thể mang đến những hiệu quả rất tích cực vì có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu và hạn chế tình trạng teo cơ.
– Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo một số bài tập dưới đây để cải thiện tình trạng bệnh và phòng ngừa biến chứng bệnh:
+ Quay cổ chân:
Người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng. Đồng thời kỹ thuật viên sẽ đứng cạnh để hỗ trợ.
Kỹ thuật viên dùng một tay để giữ phần gót chân của bệnh nhân. Tay còn lại nắm lấy phần đầu bàn chân rồi quay cổ chân của người bệnh một cách nhẹ nhàng khoảng 2 đến 3 lần. Sau đó, đẩy bàn chân về phía cẳng chân và cuối cùng, duỗi bàn chân hết cỡ.
+ Bài tập lắc cổ chân: Với bài tập này, người bệnh cũng cần đến sự hỗ trợ từ kỹ thuật viên. Cụ thể như sau:
Kỹ thuật viên sẽ đứng phía dưới và dùng hai tay để ôm cổ chân của người bệnh. Đồng thời, 2 ngón tay cái để lên phần mắt cá trong và ngoài.
Sau đó, kỹ thuật viên sẽ dùng lực từ gốc bàn tay để đẩy gót chân của người bệnh vào bên trong và đẩy ra ngoài. Thực hiện trong vòng 2 đến 3 lần cho mỗi bên cổ chân.
+ Kéo giãn cổ chân:
Người bệnh nằm thẳng trên một mặt phẳng.
Kỹ thuật viên đứng bên cạnh, dùng một tay để giữ gót chân của người bệnh, tay còn lại nắm bàn chân và dùng lực của cả hai tay để kéo giãn cổ chân. Nên thực hiện từ 2 đến 3 lần cho mỗi bên cổ chân.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tự thực hiện các bài gập duỗi cổ chân, quay cổ chân để phòng ngừa tình trạng cứng khớp.
– Một số phương pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ chân có thể áp dụng như sau:
+ Hạn chế lao động quá sức, bê vác nặng.
+ Lựa chọn giày dép phù hợp với kích cỡ chân, không nên thường xuyên đi giày cao gót để tránh gây tổn thương đến khớp cổ chân.
+ Thường xuyên tập thể dục, có thể lựa chọn một số bài tập như đạp xe, đi bộ, tập yoga, bơi lội,…
+ Ngâm chân với nước muối và gừng, sau đó kết hợp xoa bóp cổ chân.
+ Tăng cường bổ sung những thực phẩm canxi trong chế độ ăn hàng ngày.
Cập nhật lần cuối ngày 11/10/2022
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.