Đau cổ chân: nguyên nhân và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả
Hiểu rõ nguyên nhân gây ra đau cổ chân, bạn sẽ xác định được hướng điều trị phù hợp với tình trạng của mình. Đặc biệt với trường hợp đau khớp cổ chân không sưng, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị đúng cách.
Tìm hiểu nguyên nhân gây đau cổ chân không sưng
Khớp cổ chân được cấu tạo bởi nhiều xương tiếp khớp với nhau (xương chày, sên, mác, gót, hộp, ghe, xương bàn chân…) và được bao bọc, cố định bởi hệ thống các dây chằng cũng như gân cơ.
Khớp cổ chân khá linh hoạt, đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại. Cũng vì vậy mà khớp cổ chân thường xuyên phải chịu áp lực lớn từ toàn bộ trọng lượng cơ thể khi ở tư thế đứng.
Có nhiều nguyên nhân gây đau cổ chân như thoái hóa khớp, bong gân, chấn thương, viêm gân, viêm khớp cổ chân, hội chứng ống cổ chân. Với các nguyên nhân như chấn thương, bong gân, viêm khớp thì triệu chứng thường gặp là sưng cổ chân và đau.
Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi dây thần kinh hoặc dây chằng quanh khớp cổ chân bị chèn ép, dẫn đến đau mãn tính.
Khi đi bộ, việc bạn uốn cong khớp cổ chân và căng giãn bàn chân lặp đi lặp lại sẽ gây đè nén vào dây thần kinh và gân. Các triệu chứng khác có thể đi kèm như cứng khớp, tê hoặc ngứa ran. Đôi khi bạn cũng có biểu hiện sưng khớp cổ chân kèm theo đau nhức khó chịu.
Thoái hóa khớp cổ chân
Người ngoài 40 tuổi và những người từng gặp chấn thương vùng cổ chân thường bị thoái hóa khớp cổ chân. Bệnh này thường tiến triển chậm, ban đầu khó để nhận biết do triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy đau nhức khớp cổ chân nhiều, cảm giác vướng víu khi cử động khi khớp bị thoái hóa nặng.
Bạn sẽ có biểu hiện cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng, tình trạng này sẽ đỡ hơn sau khi vận động một thời gian. Các cơn đau nhói ở cổ chân xảy ra bất chợt khi gắng sức, khi ấn tay vào vùng khớp bị tổn thương hay khi va đập.
Khi bị đau, bạn cần giảm biên độ vận động của khớp cổ chân. Nếu bạn duy trì điều này trong thời gian dài, bạn sẽ bị teo cơ, cứng khớp và còn có thể bị biến dạng khớp cổ chân.
Thoái hóa khớp cổ chân cũng gây ra viêm nhiễm với các biểu hiện như sưng, đỏ, nóng, đau ở khớp cổ chân và bàn chân, nặng hơn có thể gây ra hiện tượng tràn dịch khớp đi kèm với các cơn đau dai dẳng.
Một số phương pháp điều trị đau khớp cổ chân
Người bệnh cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra đau cổ chân trước khi có phương hướng điều trị phù hợp.
– Điều trị bằng thuốc: Bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm để khắc phục các triệu chứng đau nhức, tê bì, sưng khớp.
Các loại dược phẩm này cần có sự chỉ định của bác sĩ: Thuốc chống viêm Aspirin, Meloxicam, Etodolac; thuốc giãn cơ Cyclobenzaprine và Baclofen; thuốc giảm đau Paracetamol; các loại thuốc tiêm Corticoid tại chỗ.
Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc như gây xơ vữa động mạch, loãng xương, đau hoặc viêm loét dạ dày.
– Vật lý trị liệu: Tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập phù hợp, giúp cải thiện tình trạng đau nhức và tăng cường sức mạnh cơ xương khớp cổ chân. Các bài tập vật lý trị liệu có thể kể đến như tập gập và duỗi khớp cổ chân, vận động các khớp ngón chân, quay khớp cổ chân, đeo nẹp phục hồi chức năng cổ chân.
– Chườm lạnh: Đây là cách điều trị đau khớp cổ chân có thể thực hiện ở nhà. Việc chườm lạnh giúp mạch máu co lại, giảm lượng máu lưu thông về vết thương, từ đó có thể giảm viêm và sưng tấy, hỗ trợ giảm đau. Chườm lạnh đặc biệt phù hợp với các trường hợp như trật khớp, bong gân, viêm khớp cấp tính và bệnh gout cấp tính.
– Điều trị bệnh lý nền: Tùy theo nguyên nhân gây đau khớp cổ chân do bệnh lý nào thì có phương hướng điều trị triệt để bệnh lý đó.
– Xoa bóp: Bệnh nhân nên ngồi trên mặt phẳng, từ từ co đầu gối sao cho cổ chân ở vừa tầm tay để xoa bóp. Bạn thực hiện xoa hai lòng bàn tay với nhau để làm nóng rồi xoa bóp vùng khớp cổ chân từ 10 – 15 phút.
Các cách phòng ngừa tình trạng đau khớp cổ chân
– Đi lại, tập luyện cẩn thận: Trong quá trình đi lại hoặc tập thể thao, bạn cần tránh các va chạm mạnh gây tổn thương lên vùng cổ chân. Người thường xuyên chơi thể thao nên sử dụng thêm các dụng cụ bảo vệ như băng dính cổ chân và nên học cách vận động sao cho giảm thiểu tối đa chấn thương.
Chị em phụ nữ cũng nên hạn chế đi giày cao gót để tránh các cơ và dây chằng ở cổ chân bị căng quá mức.
– Kiểm soát cân nặng, luyện tập thường xuyên: Lười vận động cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây đau cổ chân. Vì vậy, bạn nên tập luyện thường xuyên để kiểm soát cân nặng và tốt cho xương khớp, tim mạch.
– Có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý: Những người làm công việc nặng nhọc phải dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cổ chân vận động và chịu lực quá lâu.
Tóm lại, cổ chân rất quan trọng vì nó phải gồng gánh toàn bộ trọng lượng cơ thể. Do vậy, bạn cần thiết lập một lối sống lành mạnh để có sức khỏe bền vững.
Cập nhật lần cuối ngày 06/03/2023
Bài viết này chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách không tự ý áp dụng. Traulen không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.