VIÊM BAO GÂN
VIÊM BAO GÂN
Viêm bao gân, giống như viêm gân và bệnh lý về gân, là một bệnh viêm ảnh hưởng đến gân.
Viêm màng hoạt dịch là một bệnh viêm ảnh hưởng đến lớp màng hoạt dịch và từ đó lan rộng ra các mô liên kết khác như sụn hoặc cả gân. Khi lan rộng đến gân sẽ gây ra viêm bao gân.
1. Sự khác nhau giữa viêm bao gân và viêm gân
Mặc dù là hai bệnh ảnh hưởng đến gân nhưng viêm bao gân và viêm gân là hai tình trạng viêm khác nhau. Trên thực tế, viêm bao gân liên quan đến bao hoạt dịch, là một cấu trúc có chức năng bao bọc gân và tránh ma sát trong các cử động của các khớp.
Tình trạng viêm ở bao gân làm tăng thể tích hoạt dịch và hoạt dịch trở nên đặc hơn, nhớt hơn. Hình thái thay đổi của hoạt dịch làm thay đổi hoạt động bình thường của gân, tạo điều kiện cho ma sát lớn hơn, gia tăng đau và khó khăn trong các cử động khớp tương ứng.
Thông thường, khi bị viêm bao gân, ngoài viêm ở màng bao gân còn gây viêm ở gân. Vì vậy, viêm gân và viêm bao gân thường xảy ra cùng lúc.
Các dạng viêm bao gân
Dựa vào các dạng viêm ở màng bao gân, viêm bao gân được phân thành các dạng khác nhau:
• Viêm bao gân xơ hóa:
Đây là dạng viêm bao gân đặc trưng bởi hiện tượng bật ngón tay [1], chẳng hạn như ngón tay bật.
Khi bao hoạt dịch ở gân bị viêm, tình trạng viêm chèn ép gân và gây tắc nghẽn cơ học trong khớp.
Khi bị tình trạng này, bạn có thể nghe thấy tiếng tách khi cử động.
Trong số các bệnh viêm bao gân xơ hóa, ngoài hội chứng ngón tay bật, hội chứng De Quervain cũng rất phổ biến. Đây là tình trạng viêm bao gân của gân duỗi ngắn (EBP) và gân dạng dài (ALP) của ngón tay cái.
Bệnh lý xảy ra khi gân bị căng liên tục, đặc biệt là khi thực hiện các hoạt động nhất định khi làm việc, chẳng hạn như đánh máy và may vá, hoặc khi chơi nhạc cụ [2].
• Viêm bao gân rỉ dịch:
Đây là một dạng viêm màng hoạt dịch trong đó dịch bị viêm lắng đọng trong khoang khớp và tham gia vào chất hoạt dịch. Trong khi viêm bao gân xơ hóa điển hình ở các ngón tay, dạng viêm này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ màng bao gân nào và xảy ra ở các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh mô liên kết hệ thống.
[1] Renato Rizzi, Từ điển nguyên nhân của bệnh học về thấp khớp. Với các bài giảng lâm sàng, triệu chứng bệnh, trị liệu, Nhà xuất bản Khoa học và Y khoa mới.
[2] Ibidem, p. 191
2. Viêm bao gân ảnh hưởng đến khớp nào
Cơn đau do viêm bao gân lan dọc theo gân của khớp bị tổn thương. Mặc dù đây là một bệnh lý có thể ảnh hưởng đến tất cả các gân, nhưng có những vùng dễ bị ảnh hưởng hơn.
• Viêm bao gân khớp vai hoặc viêm bao gân chóp xoay:
Cũng như viêm gân, viêm bao gân cũng có thể ảnh hưởng đến chóp xoay, được cấu thành từ 4 gân nối các cơ giữa xương bả vai và phần đầu của xương cánh tay.
Bệnh lý thường xảy ra sau một hoạt động cử động liên tục và kéo dài của khớp này.
• Viêm bao gân cổ tay:
Cũng trong trường hợp này, viêm bao gân thường là do sự lặp lại kéo dài của cùng một cử động theo thời gian. Trong hầu hết các trường hợp, viêm bao gân ở cổ tay liên quan đến cơ duỗi ngắn và cơ dạng dài của ngón tay cái và tương ứng với hội chứng De Quervain.
Trong số các nghề nghiệp gần đây, bệnh lý này là một rối loạn ảnh hưởng đến những người sử dụng chuột rất thường xuyên.
• Viêm bao gân ở bàn tay:
Đây là một tình trạng viêm ảnh hưởng đến các cơ gấp của các ngón tay và là căn nguyên của các bệnh như ngón tay bật.
Thông thường, bệnh lý có nguyên nhân cơ học, do việc sử dụng ngón tay quá mức trong các hoạt động công việc đòi hỏi sự lặp lại của cùng một cử động. Cơn đau xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc gần ngón cái và tăng lên khi sờ nắn gân và bao gân. Đôi khi, u nang cũng có thể xảy ra.
Trong tiến triển của bệnh lý, ngón tay khó gập lại và hiện tượng ngón tay bật xảy ra.
• Viêm bao gân ở khớp háng:
Đây là tình trạng viêm ảnh hưởng đến màng bao khớp hông và các gân gắn kết. Không giống như viêm bao gân ảnh hưởng đến các khớp động, chẳng hạn như cổ tay hoặc bàn tay, sự khởi phát của bệnh lý này thường liên quan đến bệnh thấp khớp.
• Viêm bao gân gót sau:
Tình trạng viêm này ảnh hưởng đến gân nằm giữa cơ bụng chân và cơ dép và xương gót.
Đây là một rối loạn xảy ra cùng với viêm gân và thường cảm thấy rất đau khi bàn chân chạm đất.
3.Nguyên nhân và triệu chứng viêm bao gân
Nguyên nhân viêm bao gân
Các nguyên nhân gây khởi phát viêm bao gân có thể do cơ học hoặc do bệnh lý toàn thân như các bệnh thấp khớp hoặc viêm.
• Nguyên nhân cơ học
Trong hầu hết các trường hợp, căn nguyên của viêm màng hoạt dịch là cơ học: sau một chấn thương hoặc do căng thẳng quá mức lên gân có thể gây ra viêm bao gân, thường kết hợp với viêm gân. Nguyên nhân cơ học liên quan đến viêm bao gân xơ hóa, gây ra các bệnh như ngón tay bật và hội chứng De Quervain.
• Nguyên nhân toàn thân
Các bệnh toàn thân có thể ảnh hưởng đến gân ở tất cả các bộ phận của cơ thể và đặc biệt ảnh hưởng đến các khớp như khớp háng. Trên thực tế, đau hông thường có thể gây ra do dạng bệnh lý này. Trong trường hợp này, căn nguyên là do bệnh lý, vì viêm bao gân tiết dịch xảy ra do hậu quả của viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp hoặc các bệnh viêm toàn thân khác.
Triệu chứng viêm bao gân
Viêm bao gân ban đầu biểu hiện qua những cơn đau dữ dội, do viêm ở màng bao gân, nặng hơn khi cử động. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, dù là cơ học hay toàn thân, các rối loạn khác nhau có thể được quan sát thấy:
- Đau là triệu chứng phổ biến của tất cả các dạng viêm bao gân và thường rất dữ dội.
- Các cử động trở nên khó khăn và đau đớn hơn do lượng dịch trong bao gân tăng lên.
- Dịch có thể bị tràn gây sưng tấy và đau.
- Vì tình trạng viêm làm cho bề mặt không bằng phẳng và nhăn hơn, nên sự cọ xát của gân bên trong bao gân có thể gây ra tiếng kêu lục cục, có thể nghe được bằng ống nghe.
- Trong một số trường hợp, như ở ngón tay, hiện tượng bật ngón tay xảy ra trong quá trình khớp cử động.
4. Viêm bao gân: Điều trị như thế nào
Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây ra viêm bao gân mà có các phương pháp điều trị khác nhau.
Trong bất kỳ trường hợp nào, luôn luôn liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được thăm khám.
Những việc cần làm để phòng tránh viêm bao gân
Những người thực hiện công việc hoặc thể thao thuộc một loại hình nhất định, trong đó yêu cầu lặp đi lặp lại các cử động liên tục, sẽ dễ mắc dạng bệnh lý này hơn.
Ngay cả khi gắng sức quá mức, cũng như căng thẳng lặp đi lặp lại, có thể gây ra viêm bao gân. Do đó, nên giảm ngay hoạt động gây ra rối loạn này khi nhận thấy các triệu chứng.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, nên kiểm tra tư thế, có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ công năng, tránh giữ nguyên tư thế trong thời gian dài.
Chẩn đoán viêm bao gân như thế nào
Trong giai đoạn đầu, viêm bao gân có biểu hiện các triệu chứng rất giống với viêm gân điển hình. Do đó, không dễ dàng để chẩn đoán bệnh lý qua thăm khám tổng quát và tiền sử bệnh.
Thính chẩn bằng ống nghe có thể hữu ích để nghe tiếng lục cục do viêm ở màng bao.
Chẩn đoán hình ảnh, như chụp X-quang, siêu âm và MRI, rất quan trọng để quan sát tình trạng viêm màng bao và sự hiện diện của dịch. Ngoài ra, khuyến nghị nên hút dịch và phân tích dịch để đánh giá các bệnh lý toàn thân hoặc viêm nếu có.
Xin lưu ý rằng thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu các triệu chứng xảy ra, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được thăm khám.
Cách điều trị viêm bao gân
Việc cần làm đầu tiên khi cơn đau xuất hiện là nghỉ ngơi và tránh các cử động hoặc kéo căng có thể là căn nguyên của tình trạng viêm.
Tùy thuộc vào nguyên nhân có thể gây ra viêm bao gân, điều trị bảo tồn bao gồm:
- Chườm đá, có tác dụng giảm đau, giảm sưng và viêm.
- Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid tác dụng tại chỗ, để giảm đau và viêm.
- Sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp phát hiện nhiễm khuẩn.
- Sử dụng corticosteroid, trong trường hợp viêm nghiêm trọng.
Trong trường hợp bệnh mạn tính, có thể phải cắt bỏ bao gân bằng phẫu thuật nội soi khớp. Đây là một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và liên quan đến sự tái tạo tự nhiên của các mô bị loại bỏ. Thông thường, biện pháp này được lựa chọn trong trường hợp viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn nặng hoặc nếu các liệu pháp khác không đủ hiệu quả.